Lịch sử Việt-Mỹ
PHỎNG VẤN ĐẶNG VĂN ĐỆ
Published on
Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng
“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945.
Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”
(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)
Đặng Văn Đệ là một đảng viên kỳ cựu của Đại Việt Quốc Dân Đảng, em của bác sĩ Đặng Văn Sung, một lãnh tụ Đại Việt và là thượng nghị sĩ dưới chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa.
Người phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học, Trường Đại học George Mason.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Houston, Texas ngày 04/10/1986.
Tóm lược:
Tôi biết Đăng Văn Đệ vì chúng tôi cùng hoạt động trong Nghị Hội Toàn Quốc Người Mỹ gốc Việt (National Congress of Vietnamese Americans) ngay từ lúc tổ chức này đươc thành lập vào tháng 8 năm 1986. Gặp anh trong cuộc họp đầu tiên thành lập Nghị Hội ở Washington, DC và được biết anh là một đảng viên kỳ cựu của Đại Việt Quốc Dân Đảng, tôi yêu cầu anh cho phỏng vấn về hoat động đảng của anh trong giai đoạn 1945-1954. Anh vui vẻ nhận lời. Hai tháng sau, tôi đến Houston, nơi anh ở, để thực hiện cuộc phỏng vấn ghi âm.
Tôi nói chuyện với Đặng Văn Đệ hai ngày liền. Anh nói một cách hãnh diện về truyền thống học hành và cách mạng của dòng họ anh, và kể say sưa về những ngày sôi động năm 1944-1945, về truờng Lục quân Trần Quốc Tuấn, nơi đào tạo các sĩ quan đầu tiên của các đảng phái Quốc Gia, các cuôc chạm súng với Việt Minh và với Pháp, cuộc rút lui đầy cam khổ và đói khát từ Yên Bái lên Lào Cai đến Phong Thổ, những kỷ niệm vui buồn của cuộc sống lưu vong bên Trung Hoa, và những nguời bạn, đồng chí, và chiến hữu anh đã gặp.
Anh cho biết:
- Anh thuộc họ Đặng Văn, một dòng họ lớn ở Nghệ An. Gia đình anh ít nhất có 7 anh em nội ngoại gia nhập đảng Đại Việt và được chọn đi học quân sự ở trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Trường này thường được gọi là truờng Lục quân Yên Bái, nhưng gọi như thế không đúng hẳn, vì lúc đầu trường ở Sa Pa, vài tháng sau mới dọn lên Yên Bái, theo thỏa thuận giữa Đảng trưởng Đại Việt với các lãnh tụ Quốc Dân Đảng. Cuối cùng, vì tình hình chiến sự trường lại phải mở đường di chuyển lên Lào Cai.
- Tuy Đặng Văn Sung, người anh lớn của anh, đã hoạt động bí mật từ trước trong đảng Đại Việt, nhưng anh gia nhập Đảng qua Đặng Vũ Trứ, con của lãnh tụ Đặng Vũ Lạc và là người học trên anh vài lớp. Anh Sung không rủ anh vào đàng có lẽ vì coi anh còn non trẻ chưa sẵn sàng dấn thân vào con đường “chông gai, máu lửa.”
- Đặng Văn Đệ tuyên thệ gia nhập đảng Đại Việt năm 1944 khi còn là học sinh trường Trung học Albert Sarraut, rồi đến cuối năm 1945 được chọn đi học trường Lục quân Trần Quốc Tuấn cùng với 6 người anh em khác trong gia đình. Sáu người đó đều hi sinh trong giai đoạn tranh đấu với Việt Minh ở Yên Bái và Lào Cai. Đệ là người duy nhất sống sót.
- Truờng Lục quân Trần Quốc Tuấn do lãnh tụ Đại Việt Truơng Tử Anh thành lập với các võ quan Nhật làm huấn luyện viên. Tổng số huấn luyên viên là 11 người; họ lấy tên Việt Nam và theo đảng Đại Việt. Viên hiệu trưởng trước là chỉ huy trưởng quân đội Nhật ở Hải Phòng
- Trường được tổ chức thành ba đại đội A, B, và C tùy thời gian khóa sinh nhập học. Tổng số khóa sinh khoảng 300 người, gồm 1/3 là học sinh trung học các truờng Bưởi, Albert Sarraut, và Thăng Long, 2/3 còn lại là sinh viên đại học. Đa số khóa sinh là đảng viên Đại Việt nhưng cũng có khóa sinh của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trường huấn luyện sĩ quan để khi tốt nghiệp có thể chỉ huy trung đội hay đại đội.
- Vì bị Việt Minh tấn công cho nên khóa sinh Lục quân Trần Quốc Tuấn phải vừa học vừa tác chiến. Đặng Văn Đệ trở thành một lãnh đạo quân sự giỏi, nổi tiếng trong các trận đánh trên cây số 9 ở Lào Cai nên được gọi là “Trần Tú áo đỏ” vì ở trường anh lấy tên là Trần Tú và thường mặc blouson đỏ khi ra trận. Anh được Pháp treo giá 2000 bạc Đông Dương nếu bắt sống, và 500 đồng nếu bắn chết. Khi cánh quân của Vũ Hồng Khanh rút khỏi Lào Cai, Đệ được tuyển dụng vào đoàn quân tác chiến của Quốc Dân Đảng, chỉ huy Phong Kỷ Đội để mở đường đi Phong Thổ lập chiến khu Sập Nhị Lầu. Đệ là người Đại Việt duy nhất được Chính tri cục Quốc Dân Đảng kéo đi Khai Viễn (Côn Minh) với hy vọng, sau khi được Quốc Dân Đảng Trung Hoa viện trợ, sẽ trở về Việt Nam lập chiến khu kháng chiến chống Việt Minh.
- Cuôc hành quân mở đường từ Lào Cai đến Phong Thổ đầy cam go. Lúc ấy là mùa Thu-Đông năm 1947, nước suối chảy xiết, gió lạnh căm căm, một số anh em bị nước suối cuốn đi, nhiều người bị sốt rét rừng hành hạ, có người nhảy vào đống lửa bên đường để tìm hơi ấm rồi bị lửa thiêu chết. Họ chiến đấu trong một hoàn cảnh bi đát. Chính cá nhân Đệ và nhiều anh em khác đã phải trải qua những thời gian “ít nhất hai đến ba tháng không được ăn một hột gạo, không được biết một hột muối là gì. Chỉ ăn ngô, các thứ rau ngoài đồng, rau dại như là rau tàu bay, hay là nếu may mắn lắm, thì có nhiều khi giữa trận mạc mà có thể bắn vào một con trâu lạc, thì chúng tôi ăn thịt trâu.”
- Sau khi Đảng trưởng Trương Tử Anh mất tích khoảng cuối 1946 đầu 1947, liên lạc với trung uơng hoàn toàn bị cắt đứt, anh em Đại Việt trường Lục quân Trần Quốc Tuấn càng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Nhiều người bỏ đi, hoặc sang Trung Hoa (như Lê Đức Hợi, Lê Văn Nhân, Phạm Văn Liễu) hoặc về suôi tìm bắt liên lạc với Trung ương (như Đặng Văn Nghiên, Đặng Văn Bút), hoặc ở lại Kim Bình cùng với quân địa phương rồi về sau có người trở thành tướng lĩnh của Trung Cộng. Môt lực lượng đông đảo 300 người lúc đầu nay chỉ còn lại khoảng 30 người. Đến Phong Thổ (Lai Châu) sinh viên Lục quân Yên Bái chỉ còn 5-7 người. Sang đến Trung Hoa, Đệ còn cảm thấy lạc lõng, cô đơn hơn nữa.
- Anh là nguời theo các võ quan Nhật cho đến lúc gần cuối vả được họ cho chỉ huy các khóa sinh Đại Việt. Vũ Hồng Khanh và chủ nhiệm tỉnh bộ Lào Cai của Quốc Dân Đảng Triệu Việt Hưng ra lệnh thủ tiêu các võ quan Nhật vì thấy họ không chịu theo sự chỉ huy của Vũ Hồng Khanh. Nguời giết họ là “San răng vàng.”
- Lên Côn Minh, Đệ gặp lại các bạn Lục quân Yên Bái, như Nguyễn Quốc Xủng, Vũ Văn Phấn, Bác sĩ Dũng, anh Cường và có nhiều anh em khác nữa, kể cả Nguyễn Bá Lượng, và Vũ Đức Hải, và “San răng vàng.” Ngoài ra, còn có lão đồng chí Cung Thúc Vấn, Xuân Tùng, Đái Đức Tuấn. Tất cả có khoảng 20 anh em đồng chí nuôi nhau bằng cách làm và bán bánh đậu xanh.
- Về Hà Nội năm 1950 sau khi liên lạc đuợc với gia đình, Đệ làm việc với Đặng Văn Sung để gài nguời vào chính quyền. Năm 1951, anh được Nguyễn Tôn Hoàn mời làm huấn luyện viên quân sự ở truờng huấn luyện cán bộ Trung cấp Nha Trang, cùng với Nguyễn Tú, và Nguyễn Ngọc Huy dạy chính trị.
- Mỗi khóa học là 6 tháng. Khóa sinh tốt nghiệp hoặc làm huấn luyện viên thể dục, hoặc hoạt động đoàn thể với Đại Việt miền Nam, hay thi vào các truờng võ bị để thành sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
- Sau khi dạy 2 khóa, anh trở về Bắc hợp tác bí mật với Mỹ qua nguời của tòa Đại sứ hay Phòng thông tin. Đệ và các đồng chí cung cấp thông tin chinh xác về chiến sự cho Mỹ với hy vọng họ sẽ khuyên cáo cấp lãnh đạo Hoa Kỳ làm áp lực để Pháp phải nhường quyền dần dần lại cho những người Quốc Gia Việt Nam, và phải thực tâm giúp chính quyền Việt Nam, tạo dựng lấy một Quân đội Việt Nam đàng hoàng, may ra mới có thể đối phó được với lại Cộng Sản.
- Trong giai đoạn này, Đệ hoạt động với tư cách sĩ quan đồng hóa Bảo Chính Đoàn, Phó giám đốc môt trung tâm huấn luyện trung sĩ Bảo Chính Đoàn ở Hà Đông.
- Trong thời gian từ 3 đến 6 tháng đầu năm 1954, anh làm công tác cài cắm người ở lại, chôn dấu dụng cụ và vũ khí để chuẩn bị cơ sở chống Cộng Sản trong tương lai. Hoạt động này bị chính quyền Ngô Đình Diệm tìm cách phá và người Mỹ cũng tỏ ra lơ là.
- Đặng Văn Đệ quen thân và từng ăn uống với Đỗ Đình Đạo có mặt bà Thụy An. Anh cho rằng ông Đạo bị ám sát vi tình, vì ghen tuông, chứ không vì lý do chính trị.
- Anh Đệ cho rằng khuyết điểm của đảng Đại Việt cũng như các đảng phái Quốc gia khác là “thiếu cá tính nên dễ đụng chạm và chán nản.”
Toàn văn:
Đặng Văn Đệ –VP-NMH-A028
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (NMH): Thưa anh, tôi được thực hiện cuộc phỏng vấn này, để tìm hiểu về vai trò của và nhất là tổ chức của các đảng phái Quốc Gia Việt Nam, giai đoạn từ 1945 – 1954, trong đó anh đã đóng góp phần lớn. Xin anh cho biết anh gia nhập, hay là tham gia cái phong trào cách mạng chống Pháp vào giai đoạn nào, trong khung cảnh nào, đảng nào, và tại sao anh chọn cái đảng đó hơn là những đảng khác?
Ông Đặng Văn Đệ (ĐVĐ): Đầu tiên chúng tôi là họ thuộc họ Đặng Văn ở Nghệ An. Họ Đặng Văn chúng tôi là một họ lớn, tức là tôi có nghĩa nói là đông con cháu, mà cũng như nhiều gia đình Việt Nam khác, thì gia đình chúng tôi quan niệm vấn đề học vấn là vấn đề quan trọng nhất và cần thiết nhất. Sau đó vấn đề lập thân và bổn phận của người dân đối với Tổ Quốc, đó là ba cái cái chính mà gia đình chúng tôi cũng như nhiều gia đình Việt Nam khác chủ trương.
Vì đặt nặng vấn đề học vấn, cho nên chúng tôi, mặc dầu là quê quán ở Nghệ An nhưng mà chúng tôi, đa số con cháu đều ra Hà Nội. Vì nơi đó có những cái trường tốt: trung học như cỡ Trường Bưởi, hay là Trường Albert Sarraut, và đại học thì lúc đó có lẽ tất cả toàn Đông Dương chỉ có một đại học ở Hà Nội mà thôi. Cho nên chúng tôi, anh em tập trung ở Hà Nội: người thì đi học trung học, người thì đi học đại học. Và ở chung gọi là một cái popote vào khoảng trên 15 anh em trong một căn nhà lớn. Lúc 1944 và 1945, trong giai đoạn đó thì cá nhân tôi đương còn là một học sinh Trung học ở trường Alber Sarraut. Vì sinh hoạt trong một gia đình đông anh em, bà con, trong đó có những người đã là lên đại học và gần tốt nghiệp đại học. Chẳng hạn như là anh Đặng Văn Sung, anh Đặng Văn Ấn, anh Đặng Văn Bút, anh Đặng Văn Nghiên, anh Đặng Văn Châu, anh Đặng Văn Du, anh Đặng Văn Phú. Những anh đó đều là những người đã lên đến đại học. Còn riêng cá nhân tôi thì mới là trung học và chúng tôi học ở Trường Albert Sarraut ở Hà Nội.
Chúng tôi thuộc một gia đình căn bản là nông dân, cho nên bổn tính là chất phác và ít theo xu hướng thích Tây hay là thân Tây. Mặc dầu chúng tôi được đào tạo đa số là trong trường Pháp. Đến 1944 -1945, tình hình đất nước bắt đầu biến chuyển và những người anh lớn trong gia đình họ Đặng chúng tôi, chẳng hạn như anh Sung, hay là anh Đặng Văn Viện, hay là Đặng Văn Việt đã có những hoạt động âm thầm móc nối với các phong trào, hay các tổ chức yêu nước. Tôi là người trẻ hơn, do đó tôi rất bị ảnh hưởng hay là được ảnh hưởng bởi những người lớn tuổi hơn chúng tôi trong gia đình. Ngoài ra vì là học sinh của Trường trung học Albert Sarraut – nơi đó lớp trên của chúng tôi thì có những người như là anh Đặng Vũ Trứ. Mặc dầu không phải bà con chúng tôi nhưng anh Đặng Vũ Trứ là một người học trên tôi đến 3, 4 lớp, một người có cái tư cách mà ngay trong lúc còn thời ở Trường trung học Albert Sarraut, đáng để chúng tôi kính nể. Thì con người đó đã theo đảng Đại Việt và một trong những cái nhân vật Đại Việt đầu tiên. Anh Đặng Vũ Trứ là con của cụ bác sĩ Đặng Vũ Lạc – một nhà ái quốc, một người giúp đỡ rất nhiều cho các phong trào ái quốc và nhất là cho đoàn thể Đại Việt. Thì anh Trứ là một nhân vật của Đại Việt ngay từ thời khởi đầu, và cũng lại là một người niên trưởng đối với chúng tôi trong trường Albert Sarraut. Cho nên chính tôi đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của anh Đặng Vũ Trứ. Và do đó chúng tôi đã đi theo đường của người niên trưởng của cá nhân tôi là anh Đặng Vũ Trứ và tôi đã đi theo đảng Đại Việt.
NMH: Như vậy tức là anh Sung không có ảnh hưởng trực tiếp gì anh vào Đảng Đại Việt?
ĐVĐ: Anh Sung thì có ảnh hưởng về tinh thần nhiều hơn. Thế còn mà đi vào đoàn thể đó, thì anh Đặng Vũ Trứ là cái người mà tôi chịu ảnh hưởng nhất. Vì có lẽ anh Sung thấy tôi chưa đến tuổi đủ già dặn để mà bước vào con đường chông gai, máu lửa đến như vậy. Cho nên có lẽ là, cũng vì cái điểm tôi còn non yếu theo sự nhận xét của người anh tôi. Cho nên chính tôi không được đích xác cá nhân anh Sung rủ rê vào. Cho nên ngay cái lúc mà chúng tôi đã vô, sáp nhập vào đoàn thể rồi, và đã được giao một số những cái công tác của đoàn thể giao cho chúng tôi vào thời kỳ đầu 1945 cho đến ngày mà chúng tôi rời khỏi Hà Nội, để lên chiến khu của đảng Đại Việt – tức là lên trường Lục quân Yên Bái. Thì đến lúc một tuần trước chúng tôi lên thì anh Sung mới được lên.
NMH: Thưa anh, khi anh vào đó, thì anh vào đảng ngay, hay là qua một cái giai đoạn chuyển tiếp tức là vào đoàn hay sao, xin anh cho biết cái thủ tục mà nó qui nạp những đảng viên?
ĐVĐ: Sự thực thì là chúng tôi tuyên thệ một lúc cùng với một số anh em khác, cùng một lứa tuổi với chúng tôi và trong đó có mấy người thuộc gia đình tôi, hiện bây giờ đều đã là chết cả.
NMH: Anh có thể là cho biết tên người?
ĐVĐ: Bên nội và bên ngoại tôi đứng về cùng một thế hệ với tôi, học trên lớp nhau một, hai năm. Thì tất cả có bảy anh em chúng tôi lên Lục quân Yên Bái. Và tôi là người duy nhất còn sống sót lại, còn sáu người kia thì đã chết trong cái thời gian mà tranh đấu ở trên Yên Bái và Lào Cai. Tức là nói riêng về gia đình thì nội, ngoại tôi cùng một cái gia sung với tôi có khoảng, có bảy người đã, chứ chưa nói chuyện là trên cái cỡ cao tuổi hơn tôi như là anh Sung, hay là anh Ấn. Thì chúng tôi – riêng gia đình họ Đặng chúng tôi, có thể nói là một gia đình hầu như là một gia đình của Đại Việt.
NMH: Thưa anh, khi mà anh vào cái đảng đó, tôi muốn hỏi xem về cái tổ chức đó và cách quy nạp đảng đó, thì qua những chặng nào?
ĐVĐ: Sự thực thì chúng tôi chỉ qua một cái người nghĩa là dẫn dắt, cũng như là điều động chúng tôi, đó là anh Đặng Vũ Trứ. Thì anh Đặng Vũ Trứ hầu như là được cái nhiệm vụ, theo như tôi biết, là hầu như được cái nhiệm vụ điều động những anh em học sinh trung học nhiều hơn là đối với người ngoài.
NMH: Thưa anh, khi vào như vậy tức là anh vào cái đoàn học sinh, hay là anh vào luôn là đảng viên của đảng?
ĐVĐ: Tôi vào là đảng viên đảng Đại Việt. Thế nhưng mà thưa, theo như cái ký ức của tôi thì có lẽ là vì hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ rất nhiều biến động và cũng có thể là đoàn thể của Đại Việt về phương diện tổ chức mở rộng, chưa có một cái qui mô tổ chức chặt chẽ, mà cũng vì đa số chỉ là con nhà ở trên thành thị và có ăn học của những cái trường tốt, qua tình bạn, qua sự giao thiệp trước khi vào đoàn thể, đã hiểu nhau nhiều, cho nên cái sự kiểm soát theo mặt Đảng có lẽ là chỉ là qua cái tình cảm bạn bè mà thôi.
NMH: Anh có hoạt động theo chi bộ gì, Đảng theo lúc anh biết cái tổ chức của Đảng trong giai đoạn đó?
ĐVĐ: Lúc đó thì cái thời kỳ đó thì chúng tôi là hoạt động dưới sự điều khiển của anh Đặng Vũ Trứ và chúng tôi hoạt động trong vòng gần một năm trời, thì chúng tôi được đảng cho cái vinh dự là kén chọn lên học trường Lục quân Yên Bái.
NMH: Thưa anh, anh nói chúng tôi học nghĩa là chúng tôi là đông người?
ĐVĐ: Dạ, đông người.
NMH: Chứ không phải là ba, bốn người, cả một đoàn lớn chắc?
ĐVĐ: Có vào khoảng… một đoàn lớn, thì cái lúc mà chúng tôi lên có vào khoảng hai trăm người rồi. Nhưng mà tôi nói sự vinh dự là cái thứ nhất. Đó là một cái trường để đào tạo những quân nhân tương lai của Tổ quốc Việt Nam và có cái nhiệm vụ rất rõ rệt, giành lại đất nước, khôi phục lại giang sơn, mà tạo lại tự do, độc lập và hạnh phúc cho toàn dân.
NMH: Thưa anh, tôi xin hỏi anh hai câu hỏi trước khi đi đi tiếp tục. Anh có nói một điều mà tôi tôi tôi, vẫn thấy đặc biệt là gia đình của anh là gia đình nông dân. Anh có thể khai triển cái đó không. Bởi vì gia đình nông dân mà làm sao có khả năng mà gửi con cái đi học những trường tốn tiền như vậy?
ĐVĐ: Tôi xin thưa là tôi rất hãnh diện là được giáo sư hỏi lại về cái cái nguồn gốc gia đình chúng tôi. Ông cố nội tôi là một ông thợ rèn người Nghệ An. Tôi rất hãnh diện là chính ông thợ rèn đó đã đẻ một người con trai đậu được tiến sĩ – đó là ông nội tôi.
Vì ông nội tôi là một học sinh xuất sắc trong làng, cho nên thưa giáo sư biết là mình có cái hệ thống học điền xưa cũng như là scholarship (học bổng) bên này vậy, thì học sinh nào xuất sắc thì được hưởng cái học điền đó, để mà ăn học tiếp. Thì con một ông thợ rèn (ông cố nội tôi), ông nội tôi đã đậu là tiến sĩ, là một người nổi tiếng ăn học ở đất Nghệ An, tức là cụ Đặng Văn Thụy. Mà thời kỳ ông nội tôi, ông nội tôi đã từng viết sử rất nhiều, mà có lẽ giáo sư bây giờ người có lẽ vẫn lại tiếp tục viết sử. Cho nên tôi thấy là, chắc là giáo sư cũng biết đôi chút, thì cái Việt Nam, à, cái cái Nam sử là cái cuốn đó của ông nội tôi viết.
Thế mà thưa anh, nói về phương diện tại sao là con nhà thợ rèn ở cái đất khô cằn như Nghệ An, mà lại đủ tiền ăn học, mà đẻ được con thành đạt, con cháu thành đạt, để mà học những cái trường lớn ở ngoài Hà Nội. Thì thưa, vì ông nội tôi là có ăn học, cho nên lấy được một người vợ là con nhà rất là khá ở Nghệ An. Tức là bà nội tôi là con gái đầu của cụ Cao Xuân Dục. Thì cụ Cao Xuân Dục trước là làm như là Bộ trưởng Giáo dục cho Chính phủ Nam triều. Thì bà nội tôi thì cũng có được đôi số phần về ruộng nương của ông cố tôi chia cho (ông cố về phía bà nội tôi). Và bà nội tôi là người rất là cần kiệm, chăm chỉ, siêng năng và cũng như mọi người mẹ Việt Nam khác, là tận tuỵ vì con, vì chồng. Và đã cố gắng cho bố tôi và các chú được ăn học đến nơi đến chốn.
Chúng ta thấy rằng với một cái cái hoàn cảnh đất nước của cái thời buổi đó, sau gần tám mươi năm đô hộ của nước Pháp, thì bất cứ người thanh niên nào đứng hoàn cảnh như chúng tôi, cũng có hoài bão tham gia vào một cái mặt trận, hay một cái đoàn thể nào yêu nước, để mà giành lại độc lập nơi tay người Pháp. Một điểm nữa mà tôi xin muốn nói chuyện ở nơi đây. Riêng cá nhân tôi không những là muốn tham gia, mà tôi tin tưởng rằng một ngày nào đó, chắc chắn dân tộc Việt nhất định lấy lại được độc lập và tự do nơi tay người Pháp.
Vì bản thân tôi được học với những bạn học Pháp tại trường Sarraut từ nhỏ. Về phương diện thể chất, về phương diện gan lì của con người, tôi thấy tôi và bạn bè tôi không thua những bạn đồng học người Pháp. Trong lớp học, chúng tôi cũng không chịu thua, kể cả về văn chương, kể cả về các môn học khác. Cho nên một trong những cái phần mà chúng tôi học được, có lẽ cũng là tinh thần yêu nước. Chúng tôi ra bãi thể dục, chúng tôi không muốn thua những đồng học người Pháp về thể dục. Chúng tôi chơi thể thao, chúng tôi cũng không muốn thua và nhất định trong lớp học chúng tôi không thua và cá nhân tôi – sự thực sự tôi không thua. Thành mình thấy cái vốn liếng về thể chất lẫn tinh thần mà mình không thua, thì không lý do gì một cái lớp người Việt Nam đến có cái hoàn cảnh thuận lợi, có cơ hội lại không giành lại sự độc lập cho Tổ Quốc. Thành vì vậy mà chúng tôi dấn thân vào, ngay khi có cơ hội vào được cái đoàn thể. Mà chúng tôi đến ngày hôm nay, riêng cá nhân tôi, chúng tôi vẫn rất lấy làm hãnh diện là đã chọn lựa làm đảng viên của đảng Đại Việt.
NMH: Thưa anh, anh có nói chuyện của anh, giai cấp từ đầu, thoạt kỳ thủy là ông cố nội là thợ rèn. Nhưng về sau này thì là ông của anh đã trở thành tiến sĩ rồi, và về sau này thì những người trong gia đình anh gần nhất thì đã trở thành những cái người có thể gọi trong cái giai cấp lãnh đạo của Việt Nam. Mà anh là cái sự tiếp nối trực hệ của những cái người đó. Thì dĩ nhiên là bà cụ cụ –bà nội của anh đã có ruộng đất, tức là anh là cái loại người có nuôi, có mướn nông dân có phải không ạ, cái gia đình có mướn nông dân.
ĐVĐ: Dạ.
NMH: Tôi muốn xin hỏi anh đó, là khi mà trong cuộc sống tuổi trẻ của anh, trong ký ức của anh, anh có thấy cái sự liên hệ của gia đình anh với những nông dân làm việc cho nhà anh đó, thì có cái liên hệ như thế nào, có cái sự…
ĐVĐ: Để xin thưa anh ngay…
NMH: Có cái sự bóc lột hay là…
ĐVĐ: Xin thưa anh ngay.
NMH: Bất công gì không và khi mà anh có thấy, anh có cảm tưởng anh là một cái giai cấp khác với gia cấp của họ trên phương diện quyền lợi không?
ĐVĐ: Cái làng của chúng tôi…
NMH: Khi anh gia nhập đảng thì anh nghĩ gì đến cái cái cái gọi là cái căn bản giai cấp?
ĐVĐ: Không phải tự khoe, thì chính tôi nghĩ rằng như gia đình chúng tôi, thì sự thực thì cái ý nghĩ gọi là bóc lột những cái người yếu thế hơn mình, hay là những người đói kém hơn mình, hay là mình có quyền thế để bóc lột, thì tôi nghĩ rằng họ Đặng tôi ít bị cái tính khốn nạn đó. Có thể xin thưa câu đó. Bằng chứng cụ thể, bố tôi thì là một vị quan cho chính phủ Nam Triều và ông chú ruột tôi – một vị thượng thư cho chính phủ Nam Triều. Và tôi tôi còn nhớ rõ hết sức hình ảnh, lúc ông chú ruột tôi về hưu, thì ông đi chuyến xe lửa từ Huế về đến Nghệ An – về đến Vinh. Và tất cả hành trang của ông là ngoài bộ quần áo the bạc màu, chỉ có một cái rọ trong đó đựng hai, ba bộ quần áo của riêng cá nhân ông. Thì đó là hình ảnh của ông chú tôi mà tôi rất là kính trọng và rất là hãnh diện được làm cháu của ông chú đó.
Điểm thứ nhì nữa là chính bố tôi, đến năm 1952 vì kẹt ở Nghệ An là khu Tư, không ra được cái vùng tự do, bố tôi với lại rất nhiều người trong gia đình tôi là nạn nhân của sự đấu tố của Cộng Sản. Mà bố tôi sau khi bị giam giữ gần hai năm trời, đã một buổi tối đảng Cộng Sản đã mang và xử bắn bố tôi.
Khi bố tôi ngã gục xuống trước làn đạn khủng bố của Cộng Sản, cái điểm này rất là là tế nhị, gia đình chúng tôi không ai được quyền được đụng đến xác của người chết và không ai được quyền nghĩ đến sự chôn cất cho cái kẻ chết đó. Mà chính một người tá điền cho bà nội tôi, đã gan dạ và đứng dậy nói: ông cụ đã chết rồi, thì không việc gì phải hành hạ một con người đó nữa và để tôi lo sự chôn cất cho ông cụ đó. Đó là người tá điền. Thì tôi nghĩ nó phải thế nào thì đến cái phút ngặt nghèo đến như vậy, mới có một người nông dân vô sản đứng lên mà tình nguyện để làm cái việc đó, trước cái áp lực rất ghê gớm của đảng Cộng Sản, mà lại vùng Xô viết Nghệ An thì rất là quá khích. Thì bố tôi cùng với lại rất nhiều người trong gia đình, mà tôi còn nhớ không dưới mười người đều bị như vậy cả.
Có một cái điểm nữa, mà thưa tôi nói sợ không rành rõ, là ông chú ruột tôi là cụ Đặng Văn Hướng, thời kỳ Chính phủ Trần Trọng Kim thì ông chú tôi đã là được ông Trần Trọng Kim – cụ Trần Trọng Kim tín nhiệm và vời ra làm Tỉnh trưởng tỉnh Nghệ An. Thì thưa giáo sư cũng rõ, là đất nước mình dẫu sao đi nữa thì nơi Nghệ An cũng là nơi phát xuất của nhiều con người cách mạng. Và những cái người trong cái thời kỳ mà đất nước như vậy, mà được mời ra làm, đứng đầu một cái tỉnh như vậy, thì con người đó phải có đủ tư cách của một người đàng hoàng và yêu nước, thì mới được tín nhiệm đến như vậy. Thì ông chú tôi – cái điểm này rất là hay: thời cụ Trần Trọng Kim được mời làm Tỉnh trưởng Nghệ An và ngay Chính phủ Hồ Chí Minh, ông chú tôi được mời làm hay bị ghép vào làm là Bộ trưởng Không bộ nào của Chính phủ Hồ Chí Minh.
NMH: Nghĩa là Chính phủ Liên hiệp?
ĐVĐ: Vâng. Không, Chính phủ của của Liên hiệp đó. Nhưng mà là…
NMH: Năm 46?
ĐVĐ: Dạ, 46. Thế thì ông chú tôi đẻ một người con trai. Anh đó là anh Đặng Văn Việt, một người sinh viên trường Thuốc, một hướng đạo sinh gương mẫu mà rất nhiều sinh viên của thời buổi đó biết tiếng. Con người đứng đắn, yêu nước, khỏe mạnh và con người đó sau khi mà học trường Thuốc và đất nước có những biến động thì con người đó đã đi vào trong hàng ngũ gọi là Sinh viên Tiền tuyến… hồi đó.
NMH: Phan Anh, Phan Anh.
ĐVĐ: Của Phan Anh với lại Đặng Văn Châu. Đấy gia đình chúng tôi là có Đặng Văn Châu, Đặng Văn Việt là của Sinh viên Tiền tuyến, cùng với lại Cao Văn Khánh. Thì ông Cao Văn Khánh là em ông Cao Văn Tường, về sau này ông Cao Văn Tường làm giáo sư và đồng thời làm dân biểu thời Đệ nhất Cộng hòa. Thì anh Đặng Văn Việt và anh Cao Văn Khánh là hai người tôi chắc chắn là hai người Quốc Gia, chứ không có xu hướng gì theo đảng Cộng Sản. Tuy nhiên vì biến cố của đất nước, vì những tiến triển của tình hình nó quá mau lẹ và chính anh Cao Văn Khánh và Đặng Văn Việt là hai người từ tiền tuyến đã vào quân đội của Võ Nguyên Giáp, tức là quân đội của Việt Minh. Và về sau này, chính anh Đặng Văn Việt là một sư đoàn trưởng của 316 của phía bên kia –Việt Minh. Và anh đã có công lớn trong cái mặt trận Lạng Sơn và đã bắt được cái Đại tá Le Page.
Thì anh Đặng Văn Việt, tôi xin trở lại, là con của ông chú ruột tôi là cụ Đặng Văn Hướng. Cụ Đặng Văn Hướng là chú ruột tôi và cũng đã là Bộ trưởng Không bộ nào của thời Hồ Chí Minh. Và đến năm 1952 –lúc giai đoạn đấu tố, lập tức bắt chú tôi cùng với ông cụ tôi và nhốt anh em xiềng xích lại trong nhà giam gần hai năm trời.
Nói xin lỗi nếu ông chú tôi đau bụng cần đi ra ngoài thì ông cụ tôi cũng phải lết vì xiềng xích với nhau đi ra, đi theo sau. Sự hành hạ đó quá xúc vật, mà lại đối với con người đương giữ bộ trưởng, thành ông chú tôi –lúc ông chú tôi bị bắt, ông chú tôi nói cái này không phải cụ Hồ bắt lỗi tôi, vì chính cụ Hồ mời tôi mà tôi đương là bộ trưởng thì tại sao các anh cán bộ lại hành tôi như thế này. Thì họ cứ tự động họ – ở cái cái thôn quê cứ cán bộ thế, mà cứ thế ra tay mà làm thẳng.
Và đến ngày mà bắt chú tôi như vậy, thì chính con trai chú tôi lúc đó đã là tướng hai sao của ngoài kia rồi, đương kháng Pháp, đương đánh Pháp, mà nổi tiếng như cồn – gọi là hùm xám Đặng Văn Việt. Thế nhưng thấy đảng Cộng Sản vô cùng ghê gớm, mà vô cùng cứng rắn trong trong cái đường lối chủ trương giai cấp đấu tranh. Cho nên quân đội, hay là các chiến sĩ có danh tiếng đi nữa cũng chỉ là cá nhân, mà đoàn thể đảng Cộng Sản vẫn là điều khiển hết tất cả. Thành đến cái lúc mà 1952, đến đấu tố là coi cái đó là một cái điểm chiến lược quan trọng, thì họ lấy đấu tố làm tiên quyết chứ không phải đánh Pháp làm tiên quyết. Mặc dầu lúc đó quân đội của Việt Minh và Pháp đánh nhau, nhưng mà sự thực vì phục vụ cho một cái quyền lợi của đảng Cộng Sản Quốc tế, cho nên đã cần đến giai cấp đấu tranh, nông thôn vùng dậy, và họ lấy giai cấp họ đấu tranh và giết ngay những phần tử Quốc Gia ở ngay từng địa phương. Đó là cái điểm giáo sư nên để ý cho.
NMH: Thưa anh, anh có nghĩ, anh có nghĩ nghĩ rằng là cái lý do khiến họ phát động đấu tranh giai cấp mà ngay trong giai đoạn chiến tranh với Pháp?
ĐVĐ: Theo như tôi nghĩ…
NMH: Tại sao lại chọn thời điểm năm 52?
ĐVĐ: Là cái đầu tiên, là họ cần phải nắm chắc được nông dân và những địa phương sôi động như địa phương Nghệ An. Thành những người nào mà gọi là có uy tín với lại nhân dân địa phương, mà nếu như người đó họ không tin là đảng viên của họ, hay là không, những người đó không theo hẳn họ, thì những người đó họ triệt tiêu ngay tức khắc, để họ độc quyền nắm nhân dân.
NMH: Anh Việt có có có phản ứng gì trước cái vụ mà ông cụ của anh bị bắt?
ĐVĐ: Lúc đó thì anh Việt còn chỉ huy sư đoàn 316, có lẽ sự liên lạc với gia đình cái thời buổi đó khó, chứ không phải như lúc này. Cho nên nó chỉ cần một thời gian chỉ ngắn thì đã là chuyện đã rồi. Và nếu có sự can thiệp, thì sự can thiệp đó nó cũng rất là mông lung và nhất nữa chính lúc đó, có lẽ họ cũng đã có một vài cán bộ quân sự có thể thay thế được Đặng Văn Việt. Nếu Đặng Văn Việt mà lập trường hơi rung rinh thì có thể họ hạ tầng công tác ngay từ lúc đó.
NMH: Thưa anh. Bây giờ Đặng Văn Việt còn sống?
ĐVĐ: Hiện bây giờ Đặng Văn Việt còn sống ngoài Bắc. Và thưa anh, sau khi mà theo như tôi được biết, thì cái họ chiếm trọn miền Nam rồi, thì Đặng Văn Việt bị lập tức hạ tầng công tác ngay và không có một người quân nào dưới tay.
NMH: Tức là Đặng Văn Việt vẫn là tướng nhưng mà…
ĐVĐ: Vẫn là tướng nhưng mà tướng sẽ không còn, không còn quyền chỉ huy nữa.
NMH: Tức là sau khi chiếm miền Nam năm 75 rồi mới bị hay là?
ĐVĐ: Có lẽ trước đó, tôi nhớ rõ cái đó, nhưng mà tôi chỉ biết là sau một thời gian mà anh làm Sư đoàn trưởng 316, thì họ có những cái cán bộ quân sự họ hoàn toàn đảng viên rồi, họ đưa lên thay thế và anh Đặng Văn Việt là bị hầu như là thải hồi đó.
NMH: Dạ, thưa anh. Bây giờ trở lại cái giai đoạn anh nhập đảng Đại Việt đó, thưa anh, khi anh vào Đại Việt thì ngoài cái lý do yêu nước của anh đó, anh nói thanh niên thời đó, thì anh có biết gì về Chủ thuyết đảng Đại Việt hay không?
ĐVĐ: Đảng Đại Việt thì chúng tôi cũng có được gọi là học tập về cái chủ thuyết, riêng mấy cái danh từ là: “Dân tộc Sinh tồn,” riêng hai chữ đó – hai cái danh từ “Dân tộc Sinh tồn” đó, đã hoàn toàn hút trọn tâm hồn tôi vào. Không sợ gì bằng là cái dân tộc mà nó bị diệt vong. Mà dân tộc còn sinh tồn thì chắc chắn dân tộc đó có một ngày phải có chỗ đứng đàng hoàng dưới ánh nắng mặt trời. Mà với cái vốn liếng thông minh của dân tộc, với cái vốn liếng hãnh diện và tự hào của dân tộc và qua lịch sử đấu tranh rất là oai hùng của dân tộc, thì tôi nghĩ rằng cái đường lối “Dân tộc Sinh tồn” của đảng Đại Việt đã là đúng trong cái nhu cầu lúc bấy giờ.
Vì bấy giờ là cái thời Pháp cai trị, thì thưa anh, chỉ sợ dân tộc mình diệt vong thôi. Mà một cái đảng đưa lên hai chữ “Dân tộc Sinh tồn” – riêng hai chữ đó đối với tôi, đã đủ để cho tôi…
Thưa anh, có một điểm – nói tiện đây tôi xin thưa. Lúc chúng tôi gia nhập vào Đảng và được cái hân hạnh là chọn lựa lên học trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Yên Bái, thì đó là một vinh dự thật lớn lao cho chúng tôi. Và đương nhiên với tuổi trẻ, mặc dầu là kinh nghiệm đời ít, suy nghĩ không được sâu sắc, nhưng chúng tôi sở dĩ đã đi vào con đường đó một cách mạnh dạn. Vì thứ nhất, tôi nghĩ đó là cái dịp để mình phục vụ quê hương. Cái điểm thứ hai, là nơi đó có đông những anh em mà chúng tôi đã quen biết ở các cái trường học ở Hà Nội. Cho nên lên đó, nó hầu như cũng là lên một cái nơi mà để mình gặp lại bạn bè đông đủ, để cùng đi một cái chí hướng chung. Thành ra đối với chúng tôi, là cái ngày lên trường đó thật tình chúng tôi…
NMH: Anh bao nhiêu tuổi?
ĐVĐ: Chúng tôi mười tám tuổi.
NMH: Tôi xin hỏi anh là, trong cái gia đình, truyền thống gia đình của anh nó tương đối mạnh đó, khi làm những quyết định đó, anh làm quyết định mình anh, không có hỏi ai hết?
ĐVĐ: Chúng tôi, như lúc nãy chúng tôi có thưa là chính anh Đặng Vũ Trứ là người hướng dẫn chúng tôi. Và đến – nói về phương diện mà quyết định, cái này thì sự thực tôi và một số anh em cousins (anh em họ) của tôi quyết định với nhau, chứ bố mẹ tôi không, không biết một cái chữ nào hết.
NMH: Phản ứng của gia đình anh, những người lớn tuổi?
ĐVĐ: Vì chúng tôi sợ là là người lớn tuổi thì những người như là anh Sung là lớn tuổi, thì chính anh Sung lúc đó đã là có đi công tác sang Tàu rồi. Thành ra tôi cũng nghĩ là tôi chỉ theo đường của các anh đi, thì các anh cũng không lý do gì mà từ chối tôi. Nhưng chỉ có thể từ chối chăng, là từ chối không để chúng tôi dấn thân vào quá sớm, tuổi đời còn non. Thì tôi nghĩ rằng biết thế nào là quá sớm, biết thế nào là còn non. Thế mà thưa anh, nếu mà buông một cái dịp đó đi, thì thứ nhất là mình cảm thấy mình bị cô độc quá, mình cảm thấy mình lẻ loi quá và mình cảm thấy mình đốn mạt quá. Thành thưa anh, sự thực chúng tôi đi vào con đường đó, không dám nói cái chữ lớn, nhưng sự thực để mà chết cho quê hương thì đúng hơn.
NMH: Dạ, thưa anh, xin anh cho biết về cái giai đoạn anh đi học cái trường Lục quân Trần Quốc Tuấn?
ĐVĐ: Thì chúng tôi – cuối năm 1945, tôi còn nhớ là khoảng một, hai tuần trước Tết, thì do sự thu xếp của anh Đặng Vũ Trứ, chúng tôi đã đáp tàu và đương nhiên là với giấy tờ giả và cũng cách thức ăn mặc nó tương đối là nó cũng khác khác đôi chút, chứ không còn là một cái học sinh trường Albert Sarraut nữa. Và chúng tôi đi thẳng lên Lào Cai, để rồi từ Lào Cai thì đi bộ lên Sa Pa – là cách Lào Cai 30 cây số, nơi đó là cái nơi mà trường Lục quân Yên Bái thời bấy giờ có cái trung tâm huấn luyện ở đó.
NMH: Dạ thưa anh, anh đương nói đến cái chuyện là anh lên đến Sa Pa, nơi mà trường Lục quân Yên Bái có cái trung tâm huấn luyện ở đó?
ĐVĐ: Dạ, lúc bấy giờ gọi là, chúng tôi chưa, lúc đó chưa gọi là trường Yên Bái, mà lúc đó gọi là trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Thì cái trung tâm huấn luyện đầu tiên của Lục quân Trần Quốc Tuấn là ở Sa Pa. Chúng tôi ở trên đó đâu được hai, ba tháng, thì vì tình hình chiến sự, cũng như tình hình liên lạc với trung ương, cũng như có thể là địa bàn hoạt động. Chúng tôi dẫu sao cũng đã được huấn luyện hai, ba tháng, cũng đủ cầm súng, để mà có thể nói là vừa học tập, vừa tác chiến. Thì tất cả cái trường Trần Quốc Tuấn đó là được dời về Yên Bái.
Yên Bái thì thưa, thưa anh cũng rõ là một cái tỉnh nó rất là chiến lược nằm giữa Lào Cai và giữa Hà Nội. Và suốt dọc cái hệ thống xe lửa, là nơi đó lực lượng Quốc Dân Đảng từ bao nhiêu lâu nay đã tổ chức khá qui mô, kể cả về mặt dân vận, cũng như mặt quân sự, mặt chính trị. Suốt dọc từ Việt Trì lên Bảo Hà, Yên Bái, rồi thì lên tận Lào Cai, suốt dọc đó là thuộc về Quốc Dân Đảng. Và trường Lục quân Trần Quốc Tuấn đã được đổi về Yên Bái, thuyên chuyển về Yên Bái. Và lúc bấy giờ tổng số đã vào khoảng ba trăm sinh viên trường Võ bị và chúng tôi dẫu sao đã có thể bắt đầu biết tác chiến. Và quả thực thì thời gian rất ngắn sau khi về Yên Bái là chúng tôi vừa học mà vừa chiến đấu.
NMH: Thưa anh, cái khoảng nào của năm 45?
ĐVĐ: Lúc đó là đã 46 rồi
NMH: Trước đấy… à tôi quên, à anh về năm 46.
ĐVĐ: Dạ, dạ.
NMH: Tức là khi anh đi như vậy là chuyện Cách mạng Mùa thu với cuộc khởi nghĩa tháng 8, cuộc biểu tình công chức thì anh không có tham dự gì hết?
ĐVĐ: Dạ cái lúc mà mùa thu của 45 thì chúng tôi có mặt ở Hà Nội.
NMH: Tức là năm, ngày 19/8 thì anh còn ở Hà Nội?
ĐVĐ: 19/8 năm 45 đó phải không?
NMH: Vâng 45, cái ngày mà nó cướp chính quyền đó?
ĐVĐ: 45 thì chúng tôi còn ở Hà Nội. Nhưng mà chúng tôi rời khỏi Hà Nội vào tháng 12 năm 1945.
NMH: Tức là anh có ở Hà Nội giai đoạn cướp chính quyền?
ĐVĐ: Cướp chính quyền thì là nó về sau này của 46 chứ không phải 45.
NMH: Không, năm 1945… 19/8 năm 1945 – cướp chính quyền Trần Trọng Kim.
ĐVĐ: À vâng, vâng. Thì cái đó thì chúng tôi đã có mặt ở Hà Nội.
NMH: Thì anh đã là Đại Việt chưa?
ĐVĐ: Chúng tôi Đại Việt từ 44.
NMH: À Thế thì giai đoạn đó thì Đại Việt có cái thái độ gì đối với cuộc cướp chính quyền?
ĐVĐ: Sự thực thì lúc đó chúng tôi cũng là tuổi còn non, thành ra đó chúng tôi cũng không có thể là dám là được biết nhiều. Vì chúng tôi, thứ nhất là tuổi còn non và những hoạt động của chúng tôi là đều do một con người trực tiếp với lại đoàn thể, tức là với Đảng, điều khiển chúng tôi đó là anh Đặng Vũ Trứ.
NMH: Anh Trứ có cái chức vụ gì trong Đảng, có cái chức vụ chính thức gì không?
ĐVĐ: Anh Đặng Vũ Trứ là một ủy viên.
NMH: Ủy viên, chuyên…?
ĐVĐ: Trung ương của đảng.
NMH: Có chuyên về gì không?
ĐVĐ: Anh chuyên về…
NMH: Đặc trách?
ĐVĐ: Đặc trách về sinh viên, học sinh.
NMH: Vâng, tôi xin anh bây giờ lại trở lại cái trường Lục quân Yên Bái. Như vậy là giai đoạn đến năm, Lục quân Yên Bái khi đổi về Yên Bái tức là khoảng 46 rồi.
ĐVĐ: 46 rồi, dạ.
NMH: Tức là khi bắt đầu đánh nhau với bên kia rồi, tức là đã có cái…
ĐVĐ: Cái lúc mà Chính phủ Liên hiệp đó, thì thưa anh, tuy là ở Hà Nội thì có sự liên hiệp, nhưng mà địa phương như là Yên Bái, đã thỉnh thoảng có một vài đụng độ rồi. Thì trong những lần đụng độ đó, thì chính chúng tôi là những sinh viên của Lục quân Yên Bái, chúng tôi đã có tham gia vào sự tác chiến. Và có thể nói cho đến ký ức rất rõ rệt của tôi đến giờ phút này, tôi vẫn còn nhớ rõ. Suốt thời kỳ chúng tôi theo học trường Lục quân Yên Bái, rất nhiều lần chúng tôi được cử đi tác chiến, mà có thể nói là cho đến ngày chúng tôi rời khỏi Yên Bái, rời khỏi Lào Cai nữa và có người thì sang Tàu. Còn cá nhân tôi thì lại theo lực lượng của ông Vũ Hồng Khanh, tức là Việt Nam Quốc Dân Đảng đi vào chiến khu mới là ở Phong Thổ, và cái nơi căn cứ địa của cái chiến khu, của Việt Nam Quốc Dân Đảng 1947, 1948 là Sử A Lầu thì chính cá nhân tôi có mặt đó cho đến ngày cuối cùng.
NMH: Anh ở Sử A Lầu hay là Sở A Lầu?
ĐVĐ: Dạ, Sử A Lầu tức là Thập Nhị Lầu đó. Sở dĩ nó có cái tên là Thập Nhị Lầu là thưa anh, nó có cái một dãy núi, mà nó trùng trùng điệp điệp –12 cái cái cái núi cao với nhau, thành ra gọi là Sử A Lầu. Thì nơi đó nó cách Phong Thổ vào khoảng, đường chim bay vào khoảng 15 – 20 cây số.
NMH: Thưa anh, khi mà anh nói chuyện đến đụng độ ở Yên Bái đó, thì những đụng độ đó là do các anh gây ra, hay là do họ gây ra, hay là thế nào, tại sao lại có đụng độ như vậy?
ĐVĐ: Đụng độ Yên Bái là thưa anh, có những cái đơn vị võ trang của Việt Minh đã tấn công trường của chúng tôi, đã tấn công những cái cơ sở hành chánh và chính trị của đoàn thể Quốc Dân Đảng ở ngay tỉnh lỵ Yên Bái và chúng tôi phải ra tay để mà…
NMH: Như vậy tức là các anh chỉ có, nghĩa là bị tấn công thì đánh lại thôi chứ không có chính sách gì tấn công họ?
ĐVĐ: Chúng tôi lúc đó chỉ có đánh lại. Nhưng mà sự thực thì là không trận nào Lục quân Yên Bái đã thua bên kia, không có một trận nào chúng tôi thua.
NMH: Dạ, không thua, tại sao, các anh lại bị rút đi?
ĐVĐ: Là vì thưa anh, cái tỉnh lỵ Yên Bái, bây giờ thì mình mới hiểu. Là thưa anh, cái trận chẳng hạn như cái quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, mà Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng như những quân đội lớn mạnh khác trên thế giới, thành vấn đề logistics (tiếp tế) là rất quan trọng. Thì Yên Bái chỉ là một cái tỉnh lỵ về phương diện chiến lược quân sự thì có. Nhưng mà nơi đó mà là hậu cứ, hay là để gọi là có sự tiếp liệu của lúa, gạo thì nơi đó rất là nghèo. Thành do đó không thể nuôi dưỡng một cái quân đội mà không có sản xuất được, mà chỉ có tác chiến.
NMH: Thưa anh, mà anh nói là giai đoạn tất cả vùng đó là Quốc Dân Đảng đã kiểm soát rồi, cả cơ sở hành chánh lẫn dân chúng rồi, thì tại sao mình lại ở trong tình trạng mà…
ĐVĐ: Cái tình trạng là thưa anh, là ngay cả lúc mà chúng tôi từ Sa Pa về đến Yên Bái, ngay cả cái gọi là cái khẩu phần ăn của chúng tôi đã thấy rõ nó sút giảm dần dần. Cái sự tiếp tế, cái thứ nhất là thu mua thóc gạo của dân chúng thì nó cũng giới hạn mà thôi. Và thứ nhất là đoàn thể Quốc Dân Đảng không có uy hiếp người dân, để mà tước đoạt cái của riêng của người dân, cái điểm đó xin lịch sử ghi nhớ cho điểm đó. Đoàn thể Quốc Dân Đảng, hoặc là Việt Nam Quốc Dân Đảng, hay Đại Việt Quốc Dân Đảng, chúng tôi đối với người dân, thật tình như là huynh đệ vậy: Không có một sự bóc lột, không có một sự cướp bóc. Ngay trong thời kỳ mà hiện tại có một vài sử liệu còn nói rõ, là một anh em chiến sĩ của Việt Nam Quốc Dân Đảng chỉ vì lấy một cây mía ở giữa đồng mà ăn, mà chính đã bị ông Vũ Hồng Khanh hạ lệnh giết.
NMH: Thưa anh, đáng lẽ như vậy thì anh phải được người dân người ta theo, người ta tiếp tế cho mình, chứ tại sao mình lại bị nó bao vây?
ĐVĐ: Chúng tôi quả được dân tiếp tế, nhưng mà thưa anh người dân mình sự thực thì cũng vốn là nghèo. Cho nên sự tiếp tế của một cái quân đội mà nó không phải là là…
NMH: Của chính quyền.
ĐVĐ: Của chính quyền. Với hai nữa một quân đội mà nó dồn từ miền đồng bằng mà đi lên những cái tỉnh nhỏ như vậy, thì cái cung và cái cầu nó chênh lệch nhau quá. Và lúc đó đã là bắt đầu nó có, tình hình nó không được an ninh lắm, cho nên chính người dân cũng phải thủ. Và cái quân đội của Quốc Dân Đảng, thì thưa anh ngay cả lúc mà chúng tôi tác chiến, chính nhân dân họ đứng ra tự động tiếp tế: sắn, chuối, các thức ăn, xôi cho chúng tôi. Có thể nói người dân vô cùng yêu chúng tôi.
NMH: Mà cuối cùng các anh vẫn phải rút đi?
ĐVĐ: Không có cách gì, với thưa anh, cũng là thêm nữa là theo như sự nhận định của tôi lúc bấy giờ và với ký ức của tôi cho đến ngày nay, thì có lẽ sự liên lạc từ trung ương chúng tôi với ngay Yên Bái lúc đó đã không có được đều đặn. Và chính lãnh tụ chúng tôi là ông Trương Tử Anh, thì đến cái giai đoạn 46 đã là bị mất tích. Cho nên trong cái hàng ngũ Đại Việt, có thể nói là chúng tôi ở địa phương Yên Bái thì biết Yên Bái mà thôi, chứ chúng tôi không có nhiều liên lạc với trung ương.
NMH: Thưa anh, ông Trương Tử Anh bị mất tích vào khoảng tháng nào, anh có nhớ?
ĐVĐ: Tôi không được rõ, nhưng mà tôi nghe các đồng chí khác cho tôi biết thì cũng vào khoảng năm – cuối năm 1946, hay đầu năm 1947.
NMH: Tức là cái, cái giai đoạn các anh đánh nhau mà phải rút đi đó, thưa anh. Thưa anh, cái Yên Bái đó, ở cái vùng mà Quốc Dân Đảng kiểm soát, thì cái trường Lục quân Trần Quốc Tuấn đó là thưa anh, là ai tổ chức, đảng nào tổ chức?
ĐVĐ: Yên Bái thì là cái nơi mà trung tâm huấn luyện gọi là của trường Lục quân đó, trường Lục quân nó nằm trên gọi là đồi cao, tức là một cái đồn xưa của Pháp. Thì thưa anh, cái vùng biên giới đó, những cái đồn lũy của Pháp rất là kiên cố và rất là qui mô, phải nói như vậy. Thì cái trường Lục quân chúng tôi là được nằm trong một chu vi của một cái đồn lớn của Quân đội Pháp xây.
Cái quyết định mà đưa về đó, đó là cái sự thỏa thuận giữa Đảng trưởng Trương Tử Anh cùng với các vị lãnh đạo, lãnh tụ khác của Việt Nam Quốc Dân Đảng, như là anh Nguyễn Tường Tam, như là anh Nguyễn Tiến Hỷ, như là ông Vũ Hồng Khanh. Thì tôi nghĩ đó là cái sự quyết định chung, để mà mang về Yên Bái. Vì Yên Bái nó đối với người Quốc Gia, mà nhất đặc biệt đối với Quốc Dân Đảng, Yên Bái có thể là đất thiêng. Vì nơi đó ông Nguyễn Thái Học cùng 13 vị liệt sĩ đã nằm xuống trước mũi súng của Pháp. Vì vậy Yên Bái nó như là một cái mythe (huyền thoại) đối với lại những người Quốc Gia.
NMH: Nhưng mà trường đó do ai tổ chức, chỉ huy, đảng nào tổ chức?
ĐVĐ: Hoàn toàn là do đảng Đại Việt.
NMH: Những cái người mà huấn – được đi huấn luyện đó, là cũng do Đại Việt, hay là các đảng khác?
ĐVĐ: Tôi xin thưa về cái thành phần về giáo chức, tức là các huấn luyện viên, cũng như ông giám đốc trường, hay là chúng tôi gọi là ông hiệu trưởng. Thì cái thành phần mà huấn luyện viên, tức là thành phần giáo viên của chúng tôi đó, đều là các võ quan, sĩ quan của Quân đội Nhật Bản. Và đã được móc nối, hoặc giả là vận dụng, hay là kết nạp. Thì chính những người đó, sau khi Quân đội Nhật Bản đầu hàng Quân đội Đồng Minh vào năm 45, thì chính những người võ quan đó, đã theo Đại Việt Quốc Dân Đảng và phục vụ cho Đại Việt Quốc Dân Đảng. Vì họ là võ quan, cho nên binh nghiệp của họ đã có, và họ cái nơi đắc địa nhất cho họ, là họ lên trường Lục quân Yên Bái để đào tạo chúng tôi. Ông hiệu trưởng của chúng tôi, theo như chúng tôi còn nhớ, là ông Chỉ huy trưởng Quân đội Nhật Bản ở Hải Phòng. Đó là những võ quan cao cấp. Còn các huấn luyện viên chúng tôi đều là cấp úy hoặc giả là cấp tá. Thì chúng tôi còn nhớ có vào khoảng mười một người huấn luyện viên tất cả. Và chúng tôi thì thuộc vào Bộ đội B, tức là có ba bộ đội: Bộ đội A, Bộ đội B và Bộ đội C. Mặc dù đa số là các đảng viên của Đại Việt Quốc Dân Đảng, nhưng về sau sự thực nơi, nơi đó là nơi tập trung của tất cả những các anh em nào mà muốn được huấn luyện để thành một võ quan cho Quốc Dân Đảng. Kể cả những anh em thuộc về Thanh niên Quốc gia Đoàn, tức là anh em Việt Nam Quốc Dân Đảng. Mà hiện bây giờ thì còn – một số còn sống sót, thì cũng là được lựa vào đó để mà đào luyện.
NMH: Thưa anh, khi mà huấn luyện họ trở thành võ quan, thì chú trọng cái cấp bậc nào, ra thành trung đội trưởng, đại đội trưởng hay là…?
ĐVĐ: Dạ, chúng tôi là, cái thoạt tiên là thế nào cũng phải qua mà cái gọi là cái sự mà mà có formation (huấn luyện) của người tiểu đội trưởng và trung đội trưởng và lên đến đại đội trưởng. Tuy nhiên cũng có những cái lớp cao cấp hơn, để cho những cái sinh viên gọi là ưu tú, thì có thể học hỏi được. Tức là đã có những cái lớp nó trên cái cấp đại đội trưởng. Tức là chúng tôi có, cũng đã được học về chiến lược nữa, ngoài những cái chiến thuật thường của những cái người làm đứng đầu đơn vị một đại đội. Như cá nhân tôi lúc mà tốt nghiệp thì đã coi, có thể coi tôi là một đại đội trưởng.
NMH: Thưa anh, bây giờ anh nói về thành phần võ quan rồi đó. Bây giờ xin anh, cho tiếp tục về cái thành phần sinh viên, học sinh, à những cái người đi học ở trường Lục quân Trần Quốc Tuấn?
ĐVĐ: Thưa anh, đa số những cái anh em mà gọi là sinh viên Lục quân Yên Bái đó, thì chúng tôi đa số là những người học sinh trung học như là của trường Bưởi, hay là trường Albert Sarraut, và cũng có vài người học các trường tư như trường Gia Long –à, Thăng Long. Thế nhưng mà rất nhiều người đã là sinh viên đại học.
Tức là cái thành phần nói chung là 1/3 là anh em học sinh cấp trung học và 2/3 là các anh em sinh viên trên các đại học. Nhưng mà cũng phải là trình độ học vấn cũng vào khoảng nếu mà gọi tiếng ta xưa thì trên diplôme (bằng thành chung) hay trên ít nhất cũng phải Brevet Elementaire (sơ học yếu lược) của trường Pháp.
Thì chúng tôi ở với trường Lục quân Yên Bái cho đến lúc phải, có thể nói sự di chuyển chiến thuật. Vì như lúc nãy, tôi có thưa là vấn đề logistics, và chúng tôi đã rời trường lên Lào Cai. Và suốt dọc đường từ Yên Bái lên Lào Cai là đều phải chiến đấu để mở đường mà đi. Thế hoàn cảnh lên đến Lào Cai rồi, thì trường cũng cố tổ chức lại cho nó qui mô.
Nhưng mà lúc đó, chiến trận nó đã mở rộng và ngày càng thêm ác liệt và áp lực của bên địch ngày càng thêm mạnh. Và vấn đề tiếp liệu thì lại càng xa đồng bằng bao nhiêu thì sự tiếp liệu càng khó khăn bấy nhiêu. Và dẫu sao đi nữa vì thuộc hai ba, đoàn thể khác nhau, nay tập trung vào một cái nơi nó rất là giới hạn, không ít thì nhiều cũng có đôi chút va chạm giữa các đoàn thể. Va chạm nó có thể nói là, nó emotional (cảm xúc) nhiều hơn là cái sự tranh chấp một cách cụ thể.
Tuy nhiên riêng chúng tôi, là những người thuộc đảng Đại Việt và thành phần là sinh viên trường Trần Quốc Tuấn, ngay lúc mà chúng tôi rời khỏi Yên Bái, để mà di chuyển chiến thuật lên Lào Cai, thì chúng tôi đã có cảm tưởng hơi côi cút. Là vì thời bấy giờ, tiếng tăm của ông Đảng trưởng chúng tôi là ông Trương Tử Anh đối với chúng tôi, có thể nói là ghê gớm lắm. Và chúng tôi tuyệt đối tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của ông Trương Tử Anh. Cho nên càng xa Trung ương Hà Nội bao nhiêu, chúng tôi càng cảm thấy lẻ loi bấy nhiêu. Cho nên lên lúc đến Lào Cai, thì dẫu sao được trong hàng ngũ anh em Lục quân Yên Bái đã có người nghĩ rằng, không phải lúc nữa để chúng ta chôn chặt chân ta vào với trường, và phải tìm cách làm thế nào, hoặc giả đi sang Tàu, hoặc giả tìm đường lén về được đến với trung ương để liên lạc và nhận chỉ thị của trung ương.
Thì hàng ngũ chúng tôi bị xáo xới và do đó chính trong những anh em bà con họ Đặng chúng tôi, tức là có bảy người trong đó có tôi. Nhưng mà tên tôi lúc bấy giờ là xin thưa, trong đoàn thể thì tên tôi lúc bấy giờ không phải là Đặng Văn Đệ, mà tên tôi là Trần Tú. Thì có lẽ trong anh em hoạt động quen cái tên Trần Tú hơn là tên Đặng Văn Đệ.
Thì có bảy anh em, thì tôi trong bảy anh em cùng một gia đình họ Đặng lên đó, thì có hai người là niên trưởng hơn cả trong bảy anh em đó, là Đặng Văn Bút và Đặng Văn Nghiên, hai người đều là sinh viên tốt nghiệp của đại học mà cũng vào Lục quân Yên Bái. Cho nên chúng tôi vẫn coi đó là một thứ đàn anh của chúng tôi. Thì chính hai con người đó đã quyết định tìm cách đi về Hà Nội để mà liên lạc với trung ương, để mà nhận chỉ thị cho biết là nên hoạt động như thế nào. Thì chính hai con người – hai, hai người anh chúng tôi đó, đã rời Yên Bái, để mà tìm đường về liên lạc với trung ương. Thì chính hai người anh bà con chúng tôi đã bị bắt và đã bị Cộng Sản giết ngay ở cách Lào Cai vào khoảng bảy, tám cây số. Thì thưa anh, riêng tôi thì đã mất hai người trưởng đàn của chúng tôi, tức trong họ của chúng tôi.
Thì tôi được nhờ trời là lúc đó tôi còn khỏe mạnh. Còn những người bà con – đây là tôi nói chữ bà con họ Đặng tôi, mà cùng một lứa tuổi tôi, cùng học Sarraut với tôi, thì sự thực về phương diện thể chất lúc đó hoàn tiều tụy, là bị cái cái rốt sét rừng của cái vùng thượng du nước Việt mình. Rồi thưa anh, thiếu ăn, mà bị sốt rét nữa, thì thưa anh sức khoẻ điêu tàn dễ sợ.
Tôi được Trời thương cho nên tôi vẫn khoẻ mạnh và vì vậy có thể nói tinh thần tôi cũng mạnh lắm. Và cũng vì vậy mà tôi không có nghĩ gì đi đâu cả và nơi nào mà dùng được tôi trong vai trò mà là một người sĩ quan, hay là một người chỉ huy một đơn vị tác chiến, là tôi xung phong ngay. Thành vì vậy mà cái lúc ở Lào Cai, tôi đã được ra chỉ huy một đơn vị, một trung đội gọi là cây số 9 – tức là một cái nơi nó cũng là gọi là một cái axe (cái trục) mà dễ thường hay đụng chạm, thì tôi là một cái người chỉ huy nó.
Trong sự chỉ huy ở cây số 9, thì tôi dẫu sao còn trẻ nhưng mà đối với các đồng chí, chiến sĩ nói chung của Quốc Dân Đảng đó, thì một người chỉ huy mặc dầu là trẻ nhưng tôi tốt nghiệp trường Lục quân Yên Bái, chúng tôi được rất nhiều uy tín, đối với cả những đơn vị Việt Nam Quốc Dân Đảng tác chiến cùng chúng tôi trên cùng một mặt trận. Thì riêng cá nhân tôi đã được uy tín nhiều lắm.
Cho nên cái lúc mà lên đến Lào Cai, mà ở vào cái hoàn cảnh như vậy, mà các võ quan thuộc trường Yên Bái đó, họ không chịu hoàn toàn lệ thuộc vào sự điều động và chỉ huy của ông Vũ Hồng Khanh. Cho nên các võ quan đó, đã tìm cách rút lực lượng, gọi là sinh viên Lục quân Yên Bái đi một nơi khác, thì tôi không biết là họ dự liệu đi đâu. Tuy nhiên có thể nói tôi là người cuối cùng theo các võ quan đó. Và chính cá nhân tôi mặc dầu lúc đó còn trẻ lắm, nhưng mà tôi đã được như là các võ quan đó chỉ định tôi là người chỉ huy các anh em Lục quân Yên Bái.
NMH: Tức là tất cả ba trăm người đó hay là?
ĐVĐ: Dạ, không. Lúc đó đã tản mát đi rất nhiều, chỉ còn lại khoảng độ mấy chục người thôi.
NMH: À, thưa anh tức là những người…
ĐVĐ: Tại vì lúc đó có nhiều người không còn muốn sang bên ấy nữa, mà muốn tìm, cũng không muốn là gắn, không bị liên thuộc, không bị lệ thuộc vào trường nữa. Vì cái trường lúc đó là là nó không còn sự huấn luyện, mà là tác chiến rồi. Thế thành chia chia ba, chia bốn cái khu tác chiến. Thì cái nhóm mà mà sinh viên Lục quân Yên Bái, mà ra tác chiến hay là còn lại trường đó, thì lúc đó chỉ còn vài chục người. Thì tôi còn nhớ là các võ quan Nhật: lúc đó có những ông Dân, ông Thần … (mấy ông người Nhật nhưng lấy tên Việt Nam). Thì họ muốn chỉ định tôi là người như là đứng đầu của cái nhóm anh em Lục quân Yên Bái.
NMH: Như trưởng tràng có phải không?
ĐVĐ: Dạ, vâng, như trưởng tràng.
NMH: Thưa anh, để tôi xin hỏi lại. Cái giai đoạn nào, anh có nhớ mang máng vào khoảng tháng nào, giai đoạn nào của năm 46, thì trường đã bắt đầu có cái sự tan rã đó. Và các anh đi về, như anh nói là có một số anh thì đi sang Tàu – tự động sang Tàu. Một số anh thì đi về liên lạc trung ương. Tất cả những quyết định đó, là quyết định tự lấy hết?
ĐVĐ: Quyết định có thể nói là quyết định của cá nhân cả. Nhưng mà cá nhân dẫu sao nữa thì cũng có một số anh em xung quanh, thì là có thể nói là của những cái tổ, của những cái tổ, chẳng hạn sinh viên trường Luật với nhau thì nó có tổ thân nhau từ Hà Nội. Rồi sinh viên trường Bưởi thì nó có cái tổ. Thành thử nó cái tổ quyết định hơn là cá nhân.
NMH: Thế rồi trường cứ tan dần như vậy?
ĐVĐ: Dạ, cứ tan dần.
NMH: Đến cuối cùng chỉ còn đâu mấy chục người– ba chục, bốn chục hay sao?
ĐVĐ: À khoảng ba, ba chục người.
NMH: Ba chục người, thì là lúc bấy giờ mà đi cả một cái đoàn ba chục người đó đấy?
ĐVĐ: Vâng.
NMH: Là đi sang, đi theo, cái đám ông Nhật?
ĐVĐ: Dạ thưa anh, lúc đó là thưa anh, nó nó ở cái tỉnh Lào Cai, mà tình hình chiến trận nó rất là ác nghiệt rồi. Và cái ăn, cái uống là đương nhiên thưa anh là thiếu thốn vô cùng tận. Thì các võ quan – lúc đó chưa bị giết. Tôi còn nhớ ở trong một cái cái cái hệ thống lô cốt đó, đã có một buổi, buổi chiều có sự tập hợp của các võ quan và một số sinh viên Lục quân Yên Bái đi theo họ. Tôi còn nhớ là các ông đó đã may sẵn một số cờ, một vài lá cờ. Tức là để nhập nhoạng trắng đen, để mà tìm cái đường đi. Mà cái cờ đó thì tôi còn nhớ trong đó có một lá cờ của Việt Minh. Thì có thể dựng cờ lên để mà tìm đường đi. Lúc tiện thì dùng cờ đó, mà không nữa thì vẫn là là võ trang để mà mở một đường máu mà đi. Thì tôi được sự chỉ định tuy là không chính thức, nhưng mà tôi – Trần Tú được chỉ định như là một người trưởng tràng. Thế thì một, hai ngày rất là căng thẳng như vậy, thì do sự thu xếp của bên phía ông Vũ Hồng Khanh với ông Triệu Văn Hưng, thì cái số võ quan đó đã bị thủ tiêu.
Cái thân tôi là một mình thì cùng một số anh em nữa, như là anh Nguyễn Tráng, như là anh Hổ, như là anh Trấn nghĩa là những người sinh viên Lục quân Yên Bái đấy. Thì chúng tôi được tuyển dụng vào các đơn vị tác chiến của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Và tôi được đứng đầu một cái đơn vị, tôi còn nhớ tên cái đơn vị đó là Phong Kỷ Đội. Tức là ngay lúc đó đã có cái ý định là phải rời khỏi Lào Cai, để tìm một cái đường đi khác, lập một chiến khu khác, tức là chiến khu về mạn Phong Thổ. Thì cái Phong Kỷ Đội của chúng tôi để mà sự kỷ luật trong sự rút lui, tức là rút lui gọi là cho nó có trật tự.
Thì lúc mà rút lui đó thì đi đầu, mà rút thì rút sau. Thành ra tôi được chọn là đơn vị trưởng của Phong Kỷ Đội, tức là toàn quyền nắm kỷ luật trong sự rút lui đó. Thì thưa anh, trong sự rút lui thì đương nhiên với một cái cái quân đội được tổ chức rất là thô sơ, thiếu tất cả các cái phương tiện về truyền tin, liên lạc. Thành do đó mà ngay trên cái con đường rút lui từ Lào Cai vào đến Phong Thổ, không những là giữa đường chúng tôi còn bị đụng độ với địch, còn ngoài ra nữa thì cái thời – lúc đó tôi còn nhớ vào khoảng mùa thu của 47 thì phải. Cho nên thưa anh, nước dâng rất cao các con suối, mà suối chảy rất mạnh, rất xiết. Thành vì vậy mà ngay trong cái đường, mở đường mới mà đi về từ Lào Cai đến Phong Thổ, thành giữa đường không biết bao nhiêu anh em chết ở trên suối, hoặc giả là sốt rét mà chết giữa đường. Tôi còn nhớ rất rõ đến ngày hôm nay, ít nhất có ba anh em Lục quân Yên Bái và hai, ba, bốn cán bộ quân sự — tức là thuộc cấp dưới đó gọi là anh em là chiến binh thôi của Quốc Dân Đảng đó, sốt rét. Mà thưa anh, nằm trong cái nhà tranh. Mà thưa anh, chỉ có một cái cái đóng cửa lại là vì không, vì sợ là là là các người mà chỉ huy bắt buộc phải đi theo đoàn quân, mà họ yếu quá, rồi mà rét quá, bị sốt rét đó, mà cài một cái then cửa trong một cái nhà tranh thôi, mà nhà tranh cháy không mở nổi then cửa, thì đủ biết cái sốt rét đến như thế nào. Chính mắt tôi thấy trên đường rút lui, có người đã là nhảy hẳn trên một đống lửa để cho nó ấm, mà sự thực là đang tự thiêu mà không biết. Thành ăn uống thì thiếu thốn hoàn toàn, hầu như là không có gì mà ăn, mà đường rút lui thì trơn, mưa, lạnh, sóng lớn. Sóng của của suối – thưa với các anh là, có thể là nước cuốn vô cùng là lớn. Riêng tôi và đơn vị nhỏ của tôi là Phong Kỷ Đội – chúng tôi lạc hẳn ở trong rừng và suối, xung quanh không có đường đi, chỉ có cây thô lồ vào khoảng ba, bốn ngày liền, không ăn, không uống. Mà rồi may quá, vẫn lại bắt được liên lạc, đến tận cái cái chiến khu mới thì là tức là Sập Nhị Lầu.
Thì chúng tôi đến Sập Nhị Lầu, lúc đó Quân đội Pháp đóng chiếm vùng Lai Châu và Phong Thổ. Thì thưa anh, cái quân đội đi về đó cũng có vào khoảng ba, bốn ngàn người chứ không phải không. Nhưng mà sinh viên Lục quân Yên Bái, mà về đến đó chỉ có nhiều lắm là 5 – 7 người. Thì trong đó tôi là người được giữ vai trò khá quan trọng, trong cái mặt trận mà gọi là Phong Thổ (Lai Châu). Vì có thể là cái duyên, hai nữa cũng vì cái tiếng tăm đôi chút về sự tác chiến của tôi. Cho nên chính tôi tức là được một cái rất là hân hạnh, vinh dự, là tôi làm phụ tá cho ông – lúc bấy giờ gọi là ông Nguyễn Duy Dị. Tức là về sau, người ta nói vẫn là như Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Dị, thì tôi là người phụ tá cho Nguyễn Duy Dị. Tuy là chữ sư đoàn thì nó phải quân số nhiều hơn. Nhưng mà sự thực lúc đó ông Dị coi vào khoảng độ 1000 người, thì tôi là người phụ tá bên cạnh. Chính tôi là người được chỉ huy một số anh em biệt kích vào chiếm Pháo đài Phong Thổ, là tôi.
NMH: Chiếm pháo đài của Pháp đấy?
ĐVĐ: Của Pháp – Phong thổ.
NMH: Khi anh rút đi…
ĐVĐ: Nhưng mà thưa anh, sự chiếm nó là gọi là, tôi tôi coi như một, hai trung đội, tôi điều động hai trung đội vào. Nhưng mà qua cái cái cái nguồn tin của dân địa phương, tức là dân Thổ và dân Mèo và dân Mán. Thì chúng tôi đã bị…
Đặng Văn Đệ 2 –VP-MH-A029
NMH: Thưa anh, để xin tiếp tục nói chuyện với anh cái chuyện hôm qua đương bỏ dở đó, là anh nói chuyện là anh đã, lúc bấy giờ là Quốc Dân Đảng đã bị, bắt đầu bị đánh, các anh em mà Lục quân Trần Quốc Tuấn bị đánh, rút lui sang gần sang đến đoạn bên Tàu đó. Cái chuyện rút lui đó thì thưa anh, sự quyết định là do các cái võ quan Nhật, hay là do do trung ương đảng này kia. Thì lúc bấy giờ mình biết là các anh Đại Việt mất liên lạc với trung ương rồi?
ĐVĐ: Theo sự ghi nhớ của tôi và sự hiểu biết của tôi, thì tan rã của cái Lục quân, nó không do, chắc chắn là không do là chỉ thị của trung ương, mà do cái tình hình ở địa phương, tình hình của chiến sự, tình hình về tiếp liệu, cũng như sự rạn nứt giữa các võ quan, huấn luyện viên trường Lục quân với lại cấp lãnh đạo địa phương của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tức là nói cách khác giữa các cấp võ quan, huấn luyện viên của trường Lục quân với lại chính ông chủ nhiệm Lào Cai, là ông Triệu Việt Hưng và cấp trên của ông Triệu Việt Hưng là ông Vũ Hồng Khanh. Thì do đó mà một số lớn các võ quan, huấn luyện viên đó đã bị… giết. Và chính cá nhân tôi thì được sống gần các võ quan đó, trong những ngày cuối cùng của đời họ, cùng với một số khoảng trên dưới 25 – 35 anh em khác – học viên của trường Lục quân Yên Bái. Còn những sinh viên khác nữa của Lục quân Yên Bái, thì lúc đó một số người tìm cách lẩn trốn về miền xuôi, tức là về lại Hà Nội, hay là Hải Phòng. Một số người tìm những cách để mà lánh sang Tàu, như là trường hợp của những anh như là Lê Đức Hợi, anh Lê Văn Nhân và nhiều anh em khác nữa, kể cả anh Phạm Văn Liễu.
NMH: Vâng, nhưng mà anh lánh như vậy là theo groupe của anh, cái nhóm của anh, chứ không đi theo trường Lục quân?
ĐVĐ: Dạ, nhóm là tình bạn.
NMH: Chứ không phải trường Lục quân?
ĐVĐ: Chứ không phải có một cái chỉ thị gì từ trường Lục quân, hoặc giả từ Trung ương của đảng Đại Việt. Còn cá nhân tôi, thì chúng tôi vẫn tham gia tác chiến. Và tôi vẫn giữ cái đơn vị tác chiến ở gọi là cây số 9, tức là cây số cách tỉnh lỵ, trung tâm tỉnh lỵ Lào Cai 9 cây số. Và sau đấy, thì tôi được sáp nhập vào với lực lượng của Việt Nam Quốc Dân Đảng với tư cách là Đội trưởng Đội Phong Kỷ, tức là một cái đội mà lo về kỷ luật cho toàn quân, trên con đường mở đường, từ Lào Cai về đến Phong Thổ và Thập Nhị Lầu.
Con đường đi về Lào Cai từ — à đi về Sập Nhị Lầu của Phong Thổ từ Lào Cai, là một con đường rất là khó đi và nhiều nguy hiểm. Thì trên con đường rút lui đó, kéo dài trong khoảng trên mười ngày, thì chính tôi đã được chứng kiến nhiều cái chết thật là cay đắng của nhiều anh em, đồng chí, hoặc là của Việt Nam Quốc Dân Đảng, hay là của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Tôi còn nhớ trong đó có một vài người, mà tôi còn nhớ tên, chẳng hạn như Thân. Hiện bây giờ anh có hai người anh ruột đã lớn tuổi và hiện đương sinh sống ở Dallas. Đó là ông đại tá… hiện bây giờ Dallas của chúng tôi. Còn ngoài ra nữa, lại có thêm một người khác nữa, cũng là một sinh viên tốt nghiệp của trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Thì anh đó tôi còn nhớ anh là cháu ruột của cụ Vi Văn Định, hai người đó đều chết ở suối. Còn có một số khác nữa, đó là tôi chưa kể các chiến sĩ của bên bộ đội Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đấy là tôi nói những anh em Lục quân Yên Bái. Riêng tôi, tôi còn nhớ là có một vài anh em vì lên cơn sốt rét rừng, đã nhảy bổ vào những cái đống lửa mà các binh sĩ đốt lên để mà sưởi nóng ở giữa đường, trong cái sự mà rút từ Lào Cai về Phong Thổ. Thành vùng biên giới đó, trong những cái năm tháng – à trong những cái tháng về mùa đông, gió rét, thì thật con đường đó rất là lạnh buốt và rất là cam go, để mà mình di chuyển.
Còn đơn vị Phong Kỷ của tôi là một đơn vị tuy là không trên cái cấp số của một trung đội lớn. Và chúng tôi mặc dầu có súng tiểu liên, có súng cá nhân, có lựu đạn, nhưng mà chúng tôi không có cái phương tiện truyền thông như là quân đội cận đại. Do đó mà chính chúng tôi đã là một phần bán Trung đội Phong Kỷ đó, trong đó có tôi đã bị thất lạc ở giữa rừng núi và con suối lớn của thác lũ trong 4, 5 ngày liền.
Nhưng mà sau đó, do một cái sự rất tình cờ và may rủi, tôi đã liên lạc được với cái lại cái đơn vị chính, để mà tiếp tục cuộc hành trình cho đến tận Sập Nhị Lầu. Lúc vào đến Chiến khu Sập Nhị Lầu, tức là chiến khu mới. Sập Nhị Lầu là tên của một cái địa phương, địa phương đó ở một cái nơi rất là cao, rất là hiểm trở và rất là tốt, để đặt một cái gọi là cái khu chiến, một cái chiến khu rất là tốt. Đường chim bay từ Sập Nhị Lầu với Phong Thổ — tức là Pháo đài Phong Thổ, mà do quân đội Pháp đương chiếm giữ, có sự yểm trợ của quân đội phụ lực như là quân đội Mèo, quân đội Thổ, gọi là quân đội partisan (thân binh) mà phục vụ trong Quân đội Pháp đó.
Thì cái lực lượng ở Phong Thổ của Pháp, theo như tôi còn nhớ là một lực lượng tương đối đáng kể, vào khoảng không dưới hai đại đội. Ngoài ra còn có lực lượng của ông Đèo Văn Long, tức là ông, có lẽ lúc đó ông ấy làm tri châu và cái phủ đường của ông cũng như nhà riêng của ông nằm sát ngay dưới chân của pháo đài Phong Thổ. Qua một con suối, qua một cái cây cầu mà chúng tôi gọi là cây cầu treo. Thì để tôi xin nói thêm về cái chiến khu Sập Nhị Lầu. Cái lực lượng của Quốc Dân Đảng, tức là của ông Vũ Hồng Khanh, rút từ mặt phía Lào Cai, trước đó thì Yên Bái, Việt Trì, tất cả tập trung lại mà dồn về Sập Nhị Lầu, có khoảng 3000 người (kể cả một số gia đình của các chiến sĩ Quốc Dân Đảng, tức là vợ con). Trong số 3000 người quân sĩ đó của Quốc Dân Đảng, thì có khoảng trên một tiểu đoàn là thuộc các chiến sĩ gốc sắc tộc người Thổ ở Nghĩa Lộ, tức là gần Yên Bái. Mà do các vị chỉ huy như là ông Đại tá Nghi, ông Đại tá Lộc, chỉ huy các đơn vị đồng bào Thổ.
NMH: Hồi đó ông là đại tá rồi?
ĐVĐ: Dạ, vâng, đại tá. Và riêng tôi thì được cấp trên của Việt Nam Quốc Dân Đảng chỉ định tôi coi một tiểu đoàn bán Kinh và bán Thổ. Và sau đó, thì tôi lại được hân hạnh đề cử lên làm phụ tá cho ông sư đoàn trưởng là ông Nguyễn Duy Dị. Danh từ sư đoàn, thì chúng tôi được dùng trên đó, nhưng mà sự thực lực lượng của một sư đoàn, nó không như là một sư đoàn chính qui và nó chỉ gồm khoảng độ hơn hai tiểu đoàn mà thôi. Nhưng mà chúng tôi cũng phụ trách một cái khu vực khá bao quát và trực diện với pháo đài Phong Thổ.
Và thường thường thì là cứ vài ba ngày, chúng tôi lại có một sự tác chiến, tuy là ngắn với quân đội Pháp, hoặc giả với quân đội partisan của Pháp. Chúng tôi đã nhiều lần chiếm một quả đồi nằm cách pháo đài Phong Thổ khoảng hai cây số đường chim bay. Và quả đồi đó, lúc chúng tôi đến thì quả đồi xanh mướt và nhiều cây to. Nhưng mà qua nhiều lần tác chiến giữa đôi bên, thì quả đồi đó sau được các anh em chiến sĩ đổi tên là quả đồi Trọc. Vì cây cối đều đổ hết, qua những lần bắn của hai bên, dùng đạn trung liên, đạn đại liên và mortiers (súng cối).
Tôi còn nhớ riêng tôi, thì tôi rất hãnh diện và hiện tại có lẽ rằng tôi được sống cho đến ngày hôm nay vì nhờ cái khẩu Thompson mà luôn luôn tôi có bên cạnh người. Vì cái khẩu Thompson lúc đó thật là mới, thật là quí, và chính ngay trong cái quân đội chính qui của Pháp, thì có lẽ những cái loại súng như là Thompson, anh em tôi một khẩu Thompson và luôn tôi có trên 500 viên đạn bên cạnh người.
NMH: Thưa anh, thưa anh, ở cái giai đoạn đó là anh bị Pháp nó truy nã rồi? Như vậy trước kia đó, cái giai đoạn đó là năm nào?
ĐVĐ: Vào năm 1900… giữa 47.
NMH: Giữa 47. Tức là gọi vào cuối năm 1946 phải không?
ĐVĐ: Dạ, đầu, vào khoảng mùa Xuân 47.
NMH: Chứ không phải là bị…
ĐVĐ: Mùa Xuân, mùa Hạ 47.
NMH: Tức là bị lực lượng Việt Minh đánh bật ra khỏi chỗ đó.
ĐVĐ: Dạ, vâng.
NMH: Tức là phải rút lui, theo quan niệm của anh là phải rút lui?
ĐVĐ: Là phải rút lui nhưng mà trái lại là sự, không phải sự đánh bật, nhưng mà vì tại vấn đề tiếp liệu – logictics đúng hơn là…
NMH: Tức là thiếu lương thực, thiếu đạn, phải rút lui?
ĐVĐ: Thiếu lương thực, thiếu thuốc men.
NMH: Nhưng mà đến sau đó thì nó không đánh nữa, mà bị Pháp đánh?
ĐVĐ: Không. Cho đến lúc chúng tôi ở Lào Cai thì chúng tôi luôn luôn phải sống dưới áp lực của lực lượng Cộng Sản Việt Nam (tức là Việt Minh) và luôn luôn sự tác chiến giữa đôi bên vẫn xảy ra đều đều. Trong lúc đó thì là cái số thương binh về phía bên kia, cũng như phía bên này ngày một thêm. Rồi những vấn đề về tiếp liệu, thì sự thực là hàng ngũ chúng tôi đã lâm vào một cái hoàn cảnh hoàn toàn bi đát. Chính cá nhân tôi, cũng như nhiều anh em khác, đã phải trải qua những cái thời gian ít nhất hai đến ba tháng không được ăn một hột gạo, không được biết một hột muối là gì.
NMH: Thì ăn gì?
ĐVĐ: Dạ, chúng tôi chỉ ăn bằng ngô, các thứ rau ngoài đồng, rau dại như là rau tàu bay, hay là nếu may mắn lắm, thì có nhiều khi có thể giữa trận mạc mà có thể bắn vào một con trâu lạc, thì chúng tôi ăn cái thịt trâu mà không mua.
NMH: Thưa anh, thế thì đánh nhau với Việt Minh đấy, đến khi nào thì bị áp lực Pháp?
ĐVĐ: Lúc mà chúng tôi rời Lào Cai, trên con đường từ Lào Cai cho đến Phong Thổ. Thì chính giữa đường, chúng tôi vẫn thỉnh thoảng xảy ra những vụ tác chiến của quân đội Việt Minh ngăn chặn sự rút lui của chúng tôi, cố ép chúng tôi lại để mà tổng tấn công vào Lào Cai. Nhưng chúng tôi đã phải chiến đấu mở con đường máu, để vào được Phong Thổ. Và chỉ cách Phong Thổ khoảng 50 cây số, hay 70 cây số. Thì lúc đó Việt Minh đã không thấy theo chúng tôi nữa. Và chúng tôi bắt đầu thấy gặp khó khăn đối với lại lực lượng partisan của Quân đội Pháp.
NMH: Thưa anh, có…
ĐVĐ: Tức là những lực lượng Mèo, Thổ nhưng mà phục vụ cho Quân đội Pháp.
NMH: Thưa anh, lúc ấy tức là Pháp nó đổ bộ vào đấy, hay là nó đi từ bên Tàu sang?
ĐVĐ: Lực lượng của Pháp mà chiếm đóng Phong Thổ, cũng như là cai quản vùng Phong Thổ và Lai Châu lúc bấy giờ, là lực lượng của quân đội Pháp từ bên Tàu rút về.
NMH: Tức là của Carpentier
ĐVĐ: Carpentier. Và chính chúng tôi đã nhận được, đích danh tôi đã nhận được – không phải là cá nhân tôi, bộ đội chúng tôi đã nhận được ít nhất hai, ba lần thư của chỉ huy trưởng của quân đội Pháp ở cái vùng đó, gửi thẳng để vận dụng chúng tôi đào ngũ và theo họ, nhất là những anh em tốt nghiệp của trường Lục quân Yên Bái.
NMH: Có ai đi theo họ không?
ĐVĐ: Không có một người nào.
NMH: Thưa anh, nói là trong giai đoạn đó, anh có chỉ huy cả cái lực lượng bán Kinh, bán Thổ đó, thì lúc bấy giờ anh cũng nói là trong hai, ba tháng không có hột cơm, mà tình trạng bi đát lắm?
ĐVĐ: Tình trạng rất là bi đát, là thưa anh là vì chúng tôi đóng quân ở một vài địa phương. Tôi còn nhớ rõ và cái điều tôi nói ra đây là cái điều chắc chắn đúng 100%. Là suốt thời gian chúng tôi, cũng như anh em chiến sĩ của Quốc Dân Đảng hoạt động ở vùng biên giới, cũng như vùng đồng bằng dưới này, thì không bao giờ có một sự gọi là áp bức, hoặc giả là bóc lột, hoặc giả là hiếp tróc đàn bà, con gái và dân địa phương, cái đó không bao giờ xảy ra.
NMH: Tinh thần binh sĩ như thế nào, bi đát như vậy?
ĐVĐ: Tinh thần binh sĩ thì vẫn cao, vẫn có kỷ luật. Mà sự thực nhìn lại thì là cái đó đến bây giờ, cái cuộc sống bình thường như thế này, một nơi sung túc như tiếp sức, ủng hộ, cũng như là cung ứng những tin tức về địch quân của một nhóm sắc dân đặc biệt ở vùng biên giới đó. Tức là một cái nhóm dân mà riêng cá nhân tôi, đến ngày hôm nay tôi vẫn rất là ghi ơn. Mà tôi tìm mãi trong sách vở về cái tên của sắc tộc đó, để tìm hiểu thêm về sắc tộc đó, tên sắc tộc đó là Udi. Sắc tộc đó người da ngăm đen, tóc hơi quăn, nhìn na ná như là người Ấn Độ. Nhưng mà đối với Quốc Dân Đảng thì sự thực là một cái sắc tộc rất đồng minh và vô cùng ủng hộ.
NMH: Thưa anh, anh nói là trong các anh em bà con, có anh con của ông Vi Văn Định đó phải không ạ?
ĐVĐ: Đó là một anh đã là bị chết ở suối.
NMH: Anh là con ông Vi Văn Định?
ĐVĐ: Cháu của của Vi Văn Định.
NMH: Cháu ruột?
ĐVĐ: Tôi Không nhớ rõ là con hay cháu ruột, nhưng mà nó là cái dòng ruột, nghĩa là dòng ruột.
NMH: Tức là tôi muốn hỏi anh là bởi ông Vi Văn Định đó là là một người bị như là kết tội là Việt gian. Thì là sau đó con ông ấy đi…
ĐVĐ: Dạ, vâng… tôi có biết, là tôi biết vì chính tôi có học cùng với lại ông Vi Văn Ái, tức là anh ruột của bà Vi Thị Hồ. Mà bà Vi Thị Hồ sau lấy ông Tôn Thất Tùng ở ngoài kia. Thì ông Vi Văn Ái cũng là đứa cháu ruột của cụ Định. Thì tôi hơi biết…
NMH: Liên hệ gia đình không có ảnh hưởng gì đến cái việc… những cái người?
ĐVĐ: Dạ, không… tuy là tôi biết, nghe tiếng là cụ Vi Văn Định là một người có thể theo thực dân gì đó, nhưng người cháu và con của cụ, thì tôi – những người tôi quen, tôi thấy là những người rất tuyệt, rất là đàng hoàng yêu nước.
NMH: Vâng, thưa anh. Anh có nói cái chuyện những sĩ quan Nhật đó bị thủ tiêu đó. Thì theo một số các anh khác đó, thì có nói là cái việc sĩ quan Nhật?
ĐVĐ: Bất mãn.
NMH: Thì cảm tưởng của anh ra sao, mà lại tôi xin hỏi lý do là thế này, một số anh vì thế cho nên bất mãn và đi riêng, chứ không đi theo đoàn quân của ông Vũ Hồng Khanh nữa. Thì xin anh cho tôi biết là cái quyết định của anh. Thứ nhất là anh đã thân cận với võ quan Nhật, thì cho anh, cho biết thứ nhất là theo anh thì cái lý do gì mà họ đã bị thủ tiêu. Và lý do thứ hai là cái phản ứng cá nhân của anh ra sao mà anh đi theo với đoàn quân, nhập vào đoàn quân đó?
ĐVĐ: Thật là tôi xin là nói về cái cảm tưởng của tôi khi mà được biết. Cái hoàn cảnh ở Chiến khu Lào Cai lúc bấy giờ, với chiến trận xảy ra, dù không còn chiến đấu dưới danh hiệu của trường Lục quân Yên Bái nữa, nhưng mà chúng tôi vẫn thản nhiên. Vì vậy có thể nói được tiếp tục chiến đấu trong hàng ngũ của Quốc Dân Đảng và vì vậy thì chính tôi và một số anh em khác nữa đã theo tôi và sáp nhập vào cái Phong Kỷ Đội, để mà cùng với Quân đội của Việt Nam Quốc Dân Đảng rút lui về chiến khu sau này.
NMH: Thưa anh, quyết định đó là quyết định tự anh và các anh em, hay là do quyết định, do cái sự mọc nối của bên Quốc Dân Đảng?
ĐVĐ: Dạ, là qua sự móc nối của Quốc Dân Đảng.
NMH: Trong Lục quân Yên Bái?
ĐVĐ: Dạ, không. Trong Lục quân Yên Bái, những anh em đó hoạt động về dân vận, hay là về, những người tôi có thể nói ngay tên như anh Trịnh Danh, mà gia đình anh ta có sang bên Mỹ này năm 75. Sau đó thì anh Trịnh Danh đã bị tai nạn của xe hơi và đã chết, mà chính tôi, tôi đã để một cái ảnh của anh để tôi thờ. Mà riêng tôi, có lẽ màu sắc đảng phái có lẽ thằng người tôi không thích.
NMH: Nhưng mà hồi đó, thì anh anh có, khi mà anh nghe tin giết đó, thì anh có nghĩ là ai ra lệnh giết không?
ĐVĐ: Thì tôi nghe ra, thì là chúng tôi nghĩ đó là lệnh của Vũ Hồng Khanh.
NMH: Như vậy cái quyết định của anh là chuyện anh buồn vì ông Vũ Hồng Khanh, nhưng ngược lại anh vẫn…
ĐVĐ: Nhưng mà tôi không buồn chung với lại trong anh em Quốc Dân Đảng – tôi không buồn. Là tôi buồn là buồn hận và tức thì tôi tức ông Vũ Hồng Khanh.
NMH: Nhưng mà anh vẫn đi theo?
ĐVĐ: Dạ, nhưng mà còn ngoài ra cả hàng ngàn, hàng vạn người, chiến sĩ của Quốc Dân Đảng thì đối với tôi – chúng tôi, tôi coi như đồng chí.
NMH: Thưa anh, cái cái liên hệ của anh với Quốc Dân Đảng hồi đó ra sao. Tức là anh với tư cách Đại Việt, với lại một số các anh em Lục quân Yên Bái?
ĐVĐ: Thì tôi…
NMH: Với tư cách Đại Việt thì liên hệ với các anh em Quốc Dân Đảng thế nào?
ĐVĐ: Thì qua cái cái tình cảm cá nhân, rồi sau đó qua cái sự chung đụng, hoạt động chung ở chiến khu mới, tức là Sập Nhị Lầu, thì dần dần con người tôi đã được anh em thuộc bên phía Việt Nam Quốc Dân Đảng hoàn toàn chấp nhận và tin tưởng về tôi. Và cũng nhờ cái tình thân hữu đó, mà chính tôi được tin vào những ngày cuối cùng ở Sập Nhị Lầu, tôi đã được anh em Chính trị cục của Việt Nam Quốc Dân Đảng không những báo tin tôi và đã rủ tôi vào trong cái nhóm người rút lui khỏi chiến khu để sang Tàu. Cuối cùng không được anh em đó, có lẽ không biết bây giờ tôi ở đâu. Có thể tôi chết rồi, hoặc giả buộc lòng tôi phải sáp nhập vào hàng ngũ thổ phỉ, hoặc giả là phải phục vụ trong quân đội Trung Cộng.
NMH: Thưa anh như vậy tức là có một, tức là Quốc Dân Đảng, cái cuộc rút lui mà do Quốc Dân Đảng có chỉ huy hẳn hoi đó…
ĐVĐ: Đó là mãi về sau này…
NMH: Ý là về sau, tức là, tức là họ có có đưa một nhóm người đi, còn một nhóm người đó thì không có đưa đi?
ĐVĐ: Thưa anh, thì cái lực lượng đó nó với thời gian và sự tác chiến, rồi thì là bệnh tật, thành cái cái lực lượng từ đầu mấy ngàn người đó, sau cứ teo lại dần và cái số còn lại không đầy một ngàn người. Trong một ngàn người đó, thì cái số người mà tác chiến, thưa anh, không đầy 1/3. Còn ngoài ra thì có những nhóm anh em phải làm công việc về dân vận, chính trị cục (gồm sáu, bảy anh em). Đến cái lúc mà được lệnh của Việt Nam Quốc Dân Đảng cho phép rút lui khỏi hoàn toàn Phong Thổ lẹ, Phong Thổ và Sập Nhị Lầu đó. Thì chính sáu anh em đó đã rủ tôi cùng đi theo sang bên Tàu.
NMH: Cái Chính trị cục của cái đoàn quân rút lui đó phải không ạ?
ĐVĐ: Dạ, của đoàn quân rút lui.
NMH: Anh có nhớ tên anh nào không?
ĐVĐ: Dạ, có. Tôi còn nhớ là trong đó có anh Trịnh Danh, có anh Bi, có anh Dân, có anh Bản. Đấy tôi đại khái, tôi nhớ được bốn tên trong sáu tên.
NMH: Vâng, thế các anh rủ anh là anh đi luôn. Thế còn những đoàn quân của anh, anh em Lục quân Yên Bái?
ĐVĐ: Một số, một vài người Lục quân Yên Bái còn lại đó, chẳng hạn như anh Hổ, còn những anh em khác, như là anh Chấn, anh Năng, thì những anh đó đã hi sinh trong những lần tác chiến chống lại quân Pháp. Còn một số còn lại, tôi còn nhớ như anh Hổ, anh Vỗ, Vộ thì ba anh đó đã không rút lui thẳng lên Khai Viễn, Côn Minh như chúng tôi. Nhưng mà ở lại bên kia ranh giới, tức là sang hẳn bên Tàu và ở lại với quân đội của địa phương ở Kim Bình. Và sau đó, khi Trung Cộng hoàn toàn chiếm vùng Hoa Nam, thì tôi được biết rõ là ba anh phục vụ trong quân đội Trung Cộng. Và với thời gian về sau này, thì một hai anh đó, đã thành thiếu tướng của Trung Cộng.
NMH: Thưa anh, giai đoạn đó thì khi mà anh đi đó, thì anh có, anh có khoảng hai mươi lăm anh em Lục quân Trần Quốc Tuấn đi. Và đến khi anh rút sang Tàu thì cùng với anh thì có bao nhiêu người?
ĐVĐ: Rút sang Tàu thì… nếu mà sang hẳn, rút hẳn sang bên tận Côn Minh thì có lẽ một mình tôi thôi.
NMH: Thế còn mấy anh em kia?
ĐVĐ: Những anh em khác thì là hi sinh trong sự tác chiến, còn một số ở lại địa phương, tức là đi sang bên kia quân đội của Trung Hoa ở địa phương Kim Bình và sau đó một số đã trở thành võ quan của quân đội Trung Cộng và theo tin tức tôi được biết, thì chính anh Trần Độ là sau đã trở thành một thiếu tướng, hay là anh Minh, một là Trần Độ, hai là anh Minh.
NMH: Nhưng mà anh nghĩ cái lý do gì mà chuyển, chuyển một cách nhanh chóng thưa anh. Đồng ý là chống Pháp nhưng tại sao từ một người chống Cộng Sản chuyển sang theo Cộng Sản Trung Quốc?
ĐVĐ: Nó cũng vì cái cái, đó là sự sinh tồn. Vì thưa anh, bây giờ mình ngồi đây mà mình nói lại thì không thể tưởng tượng được là cái điểm éo le đến như vậy. Mà thưa anh, có một điểm mà quân đội Pháp, với súng đạn tối tân, và quân đội tân kỳ, có thể nói là họ rất đầy đủ phương tiện để mà có thể tiêu huỷ cả một cái lực lượng cách mạng Việt Nam. Chính chúng tôi đã phải đương đầu nhiều lần chống quân đội Pháp, tác chiến chống quân đội Pháp. Và chúng tôi đã bị rất nhiều lần phải chịu áp lực của máy bay oanh tạc và máy bay bắn đại liên vào đơn vị của chúng tôi. Nhưng mà thưa anh, chúng tôi, thì tôi có thể nói thời đó, tôi nổi tiếng là người chỉ huy giỏi. Và chính đầu tôi đã được quân đội Pháp treo, là nếu bắt sống được “Trần Tú áo đỏ” thì thưởng 2000 hoa xòe, tức là cái bạc – đồng bạc trắng đó. Và nếu mà bắn…
NMH: Đồng bạc trắng của Trung Cộng, của…?
ĐVĐ: Của Đông Dương mình chứ anh, có cái bà đầm đó. Mà thưa anh nếu mà, bắn được chết thì 500 bạc.
NMH: Thế anh sau…
ĐVĐ: Tức là tôi có uy tín là khá lừng lẫy cái vùng đó.
NMH: Tại sao, tại sao gọi anh là “Trần Tú áo đỏ”?
ĐVĐ: Là vị thưa anh, tôi thường hay mặc một cái blouson màu đỏ, thành bị gọi là “Trần Tú áo đỏ” là vì vậy.
NMH: Anh đã tương đối là gần gũi các giáo quan Nhật đó, anh có nghe gì cái kế hoạch của họ không, họ rút trường Lục quân Yên Bái sang vùng Hà Giang, rồi trở về Bắc Giang?
ĐVĐ: Tôi không có nhớ rõ là sẽ rút vào, về một cái miền nào chính xác cả. Nhưng mà tôi nhớ rất rõ cái buổi chiều hôm đó, khi một số anh em Lục quân còn lại với các võ quan đó, trong đó có người phó hiệu trưởng, tức là ông Dân (tức là tên Việt Nam mà ông ấy là một người Nhật). Mà ông hình gần như là chỉ huy, huấn luyện về tác chiến, con người chúng tôi rất kính trọng và rất giỏi, rất gan dạ, lại rất tư cách, cùng với lại ông Thần, cùng với lại ông Quốc, tôi còn nhớ như vậy. Thì chính tôi được ông Dân, hầu không thể nói chính thức coi tôi là người đứng đầu cái nhóm anh em Lục quân Yên Bái còn lại, mà còn đi theo các võ quan.
Thì chúng tôi, tôi còn nhớ cái buổi chiều hôm đó, chúng tôi tập họp nhau ở trong một cái đường hầm thì đúng hơn, một cái tunnel của phía bên này Lào Cai, chứ không phải phía bên kia Cốc Lếu, cùng với các võ quan Nhật. Thì tôi có thấy họ có chuẩn bị bản đồ và cờ, một ít nhất, một lá cờ – một lá cờ Cộng Sản (Việt Minh).
Nhưng mà theo sự giải thích của họ, là phải có cái cờ này sẵn để mà tùy nghi, để lúc rút có thể trưng lên, rút qua những nơi mà có địch nhưng mà nếu nó không xét kỹ, thì chúng ta tránh đỡ phải tác chiến và chúng ta đi gấp về cái vùng mà chúng ta định. Nhưng mà tôi không được các vị đó chỉ rõ cho tôi trên bản đồ là nơi nào sẽ đi xuống. Nhưng mà tôi có biết rõ là có bản đồ, có cắm mốc, bản đồ rất lớn, nhưng mà tôi không đọc rõ là họ có…
NMH: Thưa anh, tôi xin hỏi anh. Có một số anh em khác đó, cũng Lục quân Yên Bái, cho rằng là cái kế hoạch của người Nhật đó, tức là rút đi nhưng mà họ không có rút kia biên giới, họ chỉ muốn về Hà Giang, để lập lại chiến khu, vào cái chiến khu Kha. Mà sở dĩ họ bị giết là là vì lý do đó. Tức là vì ông Vũ Hồng Khanh muốn họ rút lui. Mà ông ấy muốn rút lui là bởi có lẽ vì bị quyết định của quân đội Trung Hoa.
ĐVĐ: Việc đó thì riêng tôi, tôi không có được biết, riêng cá nhân tôi, thì tôi không được biết.
NMH: Thưa anh, thế anh sang bên đó, khi anh sang tới vùng Côn Minh, hay là khoảng đó năm nào anh đi, bắt đầu đi, cuộc rút lui bắt đầu từ tháng nào và chấm dứt vào tháng nào?
ĐVĐ: Dạ, chúng tôi bắt đầu từ…riêng cái nhóm tôi và sáu anh em trong cái Chính trị cục của Việt Nam Quốc Dân Đảng mà rút lui từ chiến khu đi.
NMH: Đi bộ, tức là đi bộ, walk, đi on foot đó?
ĐVĐ: Thưa anh, đi bộ — dạ, vâng. Nhưng mà chúng tôi phải đi mà vừa trốn tránh, chứ không phải là đi công khai trên xứ Tàu. Là vì thưa anh, ngay qua bờ biên giới, tức là thuộc đất đai của của Trung Hoa rồi đó, thì đó là huyện Kim Bình, thì theo tin tức tình báo của chúng tôi, viên Huyện trưởng Kim Bình đã bị người Pháp mua, để mà gây khó khăn cho chúng tôi. Đồng thời nếu có thể thì bắt sống chúng tôi để trao trả cho quân đội Pháp. Mà tôi là một cấp chỉ huy quân sự có tiếng ở vùng đó. Cho nên anh em Chính trị cục rất thận trọng khi mà đưa tôi đi. Và chúng tôi đã phải thuê người – tức là anh em Chính trị cục. Riêng tôi, tôi không có tiền bạc gì để mà đài thọ nổi cái sở phí đó. Nhưng chính anh em gom một, hai người dân địa phương, để mà dẫn dắt cá nhân tôi đi vòng qua huyện Kim Bình, dưới hình thức là một người dân Trung Hoa địa phương. Thì ngay lúc đó cá nhân tôi đã…
NMH: Nhóm người đó, tức là cái đoàn chỉ có đoàn đi cùng với sáu, bảy người đi thôi, chứ không đi theo cả đoàn quân lớn?
ĐVĐ: Dạ, không. Lúc đó là cái đoàn quân, tôi, vừa rồi tôi nói thì đó là đoàn quân lớn nhưng nó chỉ có năm trăm người còn lại – ba trăm người còn lại, thì một số rất lớn đã đầu…
NMH: Thế những người đó làm sao, cái gì xảy ra cho họ?
ĐVĐ: Thưa… bắt buộc về sau đó thì mình, khoảng độ một, hai tuần sau nữa, bắt buộc hi sinh, còn người nào có thể tẩu tán được sang, số người đó hầu như không còn.
NMH: Thưa anh, bắt đầu khi mà các anh rút lui năm 46?
ĐVĐ: Dạ, mùa thu 47.
NMH: Dạ, thế thì mùa thu 47, tức là ra khỏi Phong Thổ của Yên Bái thôi, có phải không ạ, anh rút lên Sập Nhị Lầu?
ĐVĐ: Dạ, không. Và nếu mà ra khỏi Yên Bái thì là vào…
NMH: Tức là vào cuối năm 46?
ĐVĐ: Mùa, cuối mùa xuân của năm 47.
NMH: Cuối mùa xuân 47, Sập lên Nhị Lầu?
ĐVĐ: Không, dời lên Lào Cai.
NMH: Lên Lào Cai vào khoảng bao nhiêu lâu?
ĐVĐ: Để giữ Lào Cai cho đến vào…
NMH: À vẫn còn đánh Lào Cai nữa?
ĐVĐ: Cuối mùa Thu, à vào khoảng mùa Thu…
NMH: Năm 47?
ĐVĐ: 47 và vào khoảng cuối mùa thu, thì bắt đầu tôi rút sang Sập Nhị Lầu và…
NMH: Bao giờ thì rời khỏi Sập Nhị Lầu?
ĐVĐ: Vào khoảng đầu, cuối 48 vào đầu 49. Nhưng mà tỉnh đó là rút những cái cái gọi là cán bộ ưu tú đó – có thể nói như vậy. Tức là tôi là một cán bộ về quân sự, nhưng mà được anh em Chính trị cục của Việt Nam Quốc Dân Đảng kéo tôi đi, là vì coi tôi là một người để mà sang bên Trung Hoa, còn đi huấn luyện, để mong có ngày được viện trợ quân sự, trở về lại chiến khu để chiến để chỉ huy lại. Đó là sở dĩ vì vậy mà anh em Chính trị cục Việt Nam Quốc Dân Đảng đã kéo một mình tôi đi.
NMH: Cuối tháng tám, thế mà sang đến tận bên Côn Minh ấy, thì là đến cuối năm?
ĐVĐ: Dạ, thưa anh. Từ Phong Thổ – Sập Nhị Lầu mà lên tới tận Khai Viễn, riêng cá nhân tôi, tuy là nói đi chung, nhưng sự thực thì cá nhân tôi vì dễ lộ liễu, vì sợ dân địa phương nhận diện tôi được, thành tôi phải đi theo một cái người guide (dẫn đường) mà chính do anh em trong Chính trị cục đã quen, mà phải đi lánh, cho nên cái thì giờ tôi đi mất công hơn nhiều lắm, tôi vất vả hơn nhiều lắm.
NMH: Có thể… có thể nói là cái cuộc đi ra khỏi Yên Bái, gọi là triệt thoái khỏi Yên Bái, cho đến khi mà anh đến tận vùng Khai Viễn đó, tức là có thể coi như là hơn hai năm, có phải không anh?
ĐVĐ: Dạ.
NMH: Ba năm?
ĐVĐ: Vâng.
NMH: Anh đến Khai Viễn là khoảng?
ĐVĐ: Khoảng 49 – đầu 49.
NMH: Đầu 49, tức là đấy là khoảng hai năm đấy, hơn hai năm một chút đấy. Và khi ra đi thì đông đủ anh em, mà khi mà sang bên đó không đến mười người?
ĐVĐ: Là không, không đến mười người, rất là ít, mà nói về phương diện mà gọi là Lục quân Yên Bái đó.
NMH: Là cuộc rút lui đó rất là cam go.
ĐVĐ: Rất là cam go.
NMH: Nó có thể coi như là thất bại không?
ĐVĐ: Hoàn toàn thất bại.
NMH: Tại vì không có bảo mật?
ĐVĐ: Nhưng mà thưa anh, chỉ nghĩ thất bại vì thiếu lương thực và thiếu súng đạn.
NMH: Không, tôi nói thất bại là không đạt được mục tiêu bảo toàn lực lượng được. Tại vì có bao nhiêu còn?
ĐVĐ: Dạ, không còn bao nhiêu nữa. Hoàn toàn là cái thất bại,
NMH: Gần như không còn gì cả.
ĐVĐ: Không còn gì cả. Mà chính bản thân thì thấy thật tình là bơ vơ quá, như là một đứa côi cút vậy, hoàn toàn là thất thế. Và cái đó, lúc đó nhưng dẫu sao nữa thì tôi vẫn còn trẻ. Và có lẽ trời cho tôi được cái tính đó – tôi vẫn lạc quan, tôi vẫn tin tưởng có một ngày nào đó có thể làm một cái gì.
NMH: Thế nhưng cuộc, cuộc tháo chạy, theo anh, quan niệm của anh lúc hồi đó, anh có nghĩ là cuộc tháo chạy có tổ chức không?
ĐVĐ: Có tổ chức dưới một cái qui mô thấp, chứ không phải là trên qui mô lớn. Tức là tôi nói một cách khác là thế này. Mặc dầu là, đấy là tôi nói hàng ngũ của bên anh em Việt Nam Quốc Dân Đảng, thì vẫn có sự lãnh đạo ở cấp tối cao, tức là có thể cấp Đảng trưởng như là ông Vũ Hồng Khanh. Ngoài ra có thể nói bên Trung Hoa, về cơ sở của anh em Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn còn, vẫn có những chút nhiệt tình, vẫn có những cái và đương nhiên có những cái đường dây móc nối với lại chính quyền, hoặc giả ở địa phương, hay trung ương của của Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Thì tôi nghĩ rằng đáng lý ra thì nó phải được hưởng lợi của cái sự thân hữu đó, hay là móc nối đó. Để ít nhất thì cũng có được sự tiếp trợ tương đối đều dặn, để nuôi dưỡng một số quân tương đối là ít ở Sập Nhị Lầu và ở Phong Thổ. Nhưng mà trên thực tế thì cái số viện trợ của Trung Hoa nói chung, thì tôi không biết từ ông Tưởng Giới Thạch, hay là một vài ông tướng địa phương, thì tôi thấy hầu như rất là giới hạn. Và có thể nói những tháng về sau cuối cùng của cái sinh hoạt ở căn cứ Sập Nhị Lầu và Phong Thổ, thì tôi thấy rằng chỉ được cái sự tiếp sức của một vài lãnh tụ thổ phỉ ở địa phương.
NMH: Thổ phỉ người Trung Hoa hay là?
ĐVĐ: Người Trung Hoa.
NMH: Tức là cá nhân thôi?
ĐVĐ: Dạ, cá nhân. Và có, cũng có một số quân đội của họ sang, và cũng có đôi chút khí giới, có cái sắc thái lạ lùng lắm. Thì tôi còn nhớ như ông Chồ Xảo Chúng nữa, tôi còn nhớ tên như vậy, là một trong những người mà thổ phỉ đàn anh. Và đã sang giúp ông Vũ Hồng Khanh và đã sống rất gần ông Vũ Hồng Khanh. Và có thể nói là, tôi thấy cái hành động của những con người đó, tôi thấy cũng hiên ngang, mà cũng đàng hoàng lắm. Và riêng cá nhân tôi thì cũng liên lạc, ăn cơm chung với họ.
NMH: Xin anh định nghĩa cái cái chữ thổ phỉ, người ta thường thường nghĩ đó là thổ phỉ đó, cái giai đoạn mà 45, 46 khi Trung Hoa, thổ phỉ thì họ nghĩ là những đạo quân mà không phải đạo quân, họ như là bandits (quân ăn cướp)
ĐVĐ: Dạ, bandits đó, dạ là
NMH: Chứ không hẳn là quân chính qui nữa?
ĐVĐ: Thành ra mình có đi sang Trung Hoa cái thời đó, nhất là đi những cái vùng mà hẻo lánh như là Hoa Nam, thì mình mới ý thực được tại sao lại có thổ phỉ. Là vì thưa anh, từ các cái cái trung tâm đô thị của quyền lực, để mà có sự communication (thông tin liên lạc) với những cái vùng xa lánh như là Kim Bình nọ kia, thì cái đường đi thật là vất vả. Và do đó, thưa anh, cái sự kiểm soát rất là lỏng lẻo. Mà vì vậy có những cái cá nhân xưng hùng, xưng bá địa phương, tuyển mộ quân đội lấy, tự trị và có thể nói thu thuế của khách dọc đường. Thì chính chúng tôi, dẫu sao nữa thì với cái thời gian mà gọi là tác chiến ở khu biên giới đó, tên tuổi chúng tôi có và chính tôi rất được, được nhiều lần, một vài đơn vị thổ phỉ của địa phương, đã là muốn ngỏ ý muốn kết tình huynh đệ với tôi và muốn rủ tôi về để làm chỉ huy.
NMH: Tức rủ anh đi làm thổ phỉ luôn đó.
ĐVĐ: Dạ, thì nghĩa là mình dùng chữ thổ phỉ là bandit. Nhưng sự thực là một cái, nó cũng vừa ngang nhiên như một cái tụi, nó không chịu một cái sự lãnh đạo nào của trung ương, hay là nó cũng muốn đời sống hoàn toàn tự trị, độc lập, có thể nói coi như là một thứ Bình Xuyên nhỏ. Thì nó cũng có đôi chút tổ chức sống với dân địa phương, cũng không đến nỗi hà hiếp lắm.
NMH: Thưa anh, anh cho biết là từ hồi anh, anh kể thêm cái đoạn mà anh đến Khai Viễn, rồi sau đó, từ đó đi đâu?
ĐVĐ: Thưa anh, là tôi đến Khai Viễn, thì thưa anh, nhân tiện đây là cái chuyện mạn đàm. Vì đấy là một cái ký ức thật đẹp đời tôi. Thì trong nhóm chúng tôi đi, là sáu anh em Chính trị cục và tôi là một người duy nhất của Đại Việt được anh em rủ đi. Trước khi lên Khai Viễn, chúng tôi đến Mông Tự đã. Và Mông Tự là cái thành phố đầu tiên, sau bao nhiêu năm trời sống ở những vùng rừng núi u uất, chúng tôi được thấy ngọn đèn và thấy con đường xe lửa. Thì riêng tôi và những anh em cùng đi với tôi, thì chắc chắn cũng cùng một cảm tưởng như tôi. Sau khi một thời gian sống ở rừng núi hoàn toàn, mình như là người rừng rồi. Bước chân xuống một cái vùng đồng bằng, nhìn thấy đường sắt xe lửa, một cái cảm tưởng vô cùng khác lạ và đặc biệt, hầu như mình đã trở về với nền văn minh vậy. Và mình lại bắt đầu có một cuộc sống với ánh sáng, tức là mình sinh tồn được cá nhân. Thì tối hôm đó, chúng tôi được đưa đến anh Cần và đối với cá nhân tôi là một người lạc, lạc loài có thể nói như vậy.
NMH: Lạc đảng đấy.
ĐVĐ: Lạc đảng, nhưng mà tôi không có bị một cái sự gì gọi là phân biệt cả và tôi cũng được nhận chút hạnh phúc đó. Về sau này, tôi còn gặp ở Hà Nội và nghe nói anh có sang đây và anh cũng vừa mới mất vì bị tông xe. Thì chúng tôi ở lại Mông Tự một đêm, thì ngày mai anh em Quốc Dân Đảng ở ngay Mông Tự, đã lo cho chúng tôi được vé tàu xe lửa và chút tiền đi đường. Và đến Khai Viễn thì chúng tôi được chủ nhiệm của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Khai Viễn, tức là một ông (tôi quên mất tên), lúc đó mới thấy được một con người có cái tình cảm như vậy. Thì tôi thưa với anh là nói chuyện lãng mạn của cái con người Đại Việt và con người Việt Nam Quốc Dân Đảng. Thì tôi lúc đó mới hăm mấy tuổi đầu. Thưa anh, cứ là như con chim vậy. Nhưng dẫu sao đi nữa cũng thỉnh thoảng, vẫn cảm thấy cái thế đơn côi của mình, cái lãng mạn của mình.
Thì tôi nhớ rõ cái buổi chiều thứ nhất mà ở Khai Viễn. Đó là một buổi chiều Đông ở bên Tàu, một chiều buồn mà lạnh. Thì trong lúc mà sáu anh em thuộc Chính trị cục vào nói chuyện… tách bên tôi và tôi không tham gia câu chuyện đó, và tôi đã ngồi riêng ở ngoài cái ván của cái cái tửu lầu đó, tức là cái restaurant (quán ăn), một mình tôi. Thì tôi nhìn thấy một thành phố cũng đã khá lớn và đã có đèn điện, có nước chảy. Và rồi có running water đó, thì tôi nhìn và tôi ngắm những cái dân chúng đi đi lại lại và những cái sinh hoạt của thành phố Khai Viễn. Và chính lúc đó mình nghĩ đến thân phận mình: làm gì đây, sống cách nào đây. Và nhất nữa là, một con người thuộc Đại Việt Quốc Dân Đảng, mà chẳng nhẽ rằng, bây giờ mình lại phải bám vào ông chủ nhiệm Việt Nam Quốc Dân Đảng. Thì thứ nhất mình trở thành gánh nặng cho người ta và đồng thời không đúng gì cả. Nhưng mà tôi cái tính người, tôi cũng ít thích nhờ vả ai trong cuộc đời. Thành ngay lúc đó, tôi đã suy nghĩ đến thân phận rồi và tôi không khỏi thấy tủi thân.
Trong đúng lúc mà tôi có cái cảm giác như vậy, thì tôi thấy bên kia đường, một người – nhìn xa – gần tối, chập choạng, tôi không thể phân biệt được đó là người Tàu địa phương, hay là người Nhật, hay là người nào đó. Nhưng mà tôi thấy ăn mặc rất chỉnh tề và đi nhanh, mặc quần áo Tây, đương nhiên là quần áo dạ – vì đó là một loại có pardessus (áo khoác ngoài), có foulard (khăn quấn cổ) lụa trắng, đi bên kia đường, giày rất bóng, đi rất nhanh, mà dáng đi rất là là Tây phương. Thì tôi nhìn qua: a, cái nước Tàu này mà cũng có những thằng người ăn mặc đàng hoàng và đi đứng có vẻ văn minh. Thì tôi cố nhìn, tôi ngắm cái con người đó. Vì mấy năm trời, tôi ở rừng mà. Thì tôi nhìn, tôi nhìn đến một hồi, tôi thấy cái người đó, sao thấy quen quá. Tôi chạy hẳn sang bên kia đường, thì chính con người ôm chầm tôi lấy, bảo: “Tú ơi, cậu ở đây ư. Cậu còn sống à.” Thì đó là ông Lê Đức Hợi, tức anh Lê Đức Hợi cũng Lục quân Yên Bái và anh đã sang Côn Minh.
Thì thưa anh, cái điểm về anh Lê Đức Hợi, bây giờ anh ở Canada, mà trước đó anh có làm Đổng lý cho anh Phan Huy Quát. Thì riêng một cái cái cử chỉ spontané (bột phát) của anh Hợi lúc đó, đứng trước một người đồng chí trẻ ngay là tôi, mà có thể, có thể nói là sự ăn vận của tôi – tôi thì tôi đang mặc quần áo xạ phang thì đúng là thật rách nát. Mà anh ôm chầm đến như vậy, mà anh gọi tôi bằng: “Tú, thế toa còn sống à. Mấy năm nay, tụi này không có tin toa và toa ở đây bao giờ?” Thì tôi trả lời cho anh: Tôi vừa mới lên tức thì độ khoảng một, hai đêm. Thì tôi mới hỏi lại anh: “Thì bây giờ, ông đi đâu bây giờ?” Thế bảo: Cậu đừng, có đừng hỏi gì tôi cả. Đó là tính nết của anh Hợi, mà bây giờ anh vẫn như vậy. Và tôi phải hỏi cậu ngay. “Cậu ăn gì chưa, chắc chắn cậu chưa. Mà nếu có rồi thì chắc cũng ăn cái vớ vẩn, để tớ đưa cậu vào chỗ thật ngon. chúng ta ăn với nhau cái đã và uống với nhau cái đã.” Và ăn uống xong, lúc mà ngồi ăn tôi hỏi Lê Đức Hợi thì: “Ông đi đâu mà ông mặc như thế này, trông ông bảnh quá.” Bảo: “Đi hành nghề đấy ông ơi.” Thì tôi có hỏi: Thế hành nghề gì? Té ra ông đi đánh đàn dancing (nhà hàng khiêu vũ) để ông sống. Nhưng ông bảo: “Đã gặp cậu, là tớ bát ngay. Và tối nay, hai anh em mình ta gặp nhau, ta hàn huyên. Và cái thứ nhất là tôi yêu cầu cậu đi ăn với tôi, ăn bữa cho nó đàng hoàng, ăn cho nó no đi, uống rượu đi, rồi lát đi về chỗ nhà trọ của tôi.” Thì cái nhà trọ đó, nó ở gần cái khu gọi là cư xá của những người làm hỏa xa. Tức là cái hệ thống mà nhân viên mà làm hỏa xa, thì đa số là vào đoàn thể Việt Nam Quốc Dân Đảng. Thì anh Hợi có một cặp vợ chồng hình như bà con của anh, cũng trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, lên đó từ lâu và hành nghề trong hỏa xa. Và lúc thấy người bà còn mình lên thì đón tiếp ở lại.
Thì về đến cái nhà ở đầu của anh Hợi, tôi còn nhớ đó là căn nhà gác gỗ thường, mà anh Hợi có cái phòng nhỏ ở trên lầu, thì anh đưa tôi lên lầu. Và việc đầu tiên, thế thì anh: “Từ nãy giờ, lúc mới gặp, cho đến lúc ngồi ăn, đến bây giờ thỉnh thoảng, tớ cứ thấy cậu nhìn vào quần áo tớ, có lẽ cậu khoái bộ này thì phải.” Và anh lập tức, anh trút hết tất cả từ manteau (áo khoác ngoài), từ foulard. Vì cái cỡ người anh Hợi như tôi, cho nên tôi mặc rất vừa và anh Hợi đã mặc bộ khác và anh đem cho tôi. Sau đến chỗ ông đi hành nghề, tức ông đánh đàn ở một cái tiệm dancing nho nhỏ nào đó để kiếm sống.
NMH: Ông đánh đàn?
ĐVĐ: Dạ, ông đánh – hình như ông đánh guitare thì phải.
NMH: Ông Nguyễn Tường Tam cũng sang đấy đánh đàn để sống.
ĐVĐ: Dạ, anh Hợi là người…
NMH: Ông Nguyễn Tôn Hoàn cũng sang đó đánh đàn, kiếm sống.
ĐVĐ: Người rất là có tài. Dạ, rất là có tài. Mà anh ấy về học vấn khá, mà tính nết thật là – có thể những người mà hiểu thì tính nết của anh rất hay. Vào khoảng một hai ngày gì đó thôi với anh Hợi, và sau đó thì tôi lên Côn Minh.
NMH: Lên Côn Minh với ai, theo Quốc Dân Đảng hay là gì?
ĐVĐ: Theo, dạ không. Thì tôi lên Côn Minh vì anh Hợi cho biết rằng có một số anh em Lục quân đã sang bên đó trước cậu và hiện bây giờ anh em đang bên Côn Minh. Chẳng hạn anh Vũ Văn Phấn, em anh Phấn là anh Tôn, thì trong đó có anh doctor như là bác sĩ Dũng, có anh Cường và có nhiều anh em khác nữa, kể cả anh Nguyễn Bá Lượng. Thì có vào khoảng độ, kể cả anh Vũ Đức Hải, chúng tôi có vào khoảng, tất cả bên Côn Minh vào khoảng độ hai chục anh em. Thì tôi đi lên Côn Minh. Nhưng mà thưa anh, cái điểm này, tôi cũng xin muốn thưa ngay. Mặc dầu là có anh em Lục quân ở trên đó, nhưng mà khi tôi lên là tôi cùng lên chung với anh em Chính trị cục Việt Nam Quốc Dân Đảng. Và đến Côn Minh thì chúng tôi đi bằng xe lửa, đến Côn Minh bằng xe lửa. Và xuống Côn Minh thì tôi còn nhớ là chúng tôi đi bộ thật là xa, ra khỏi thành phố, qua bao nhiêu đồng ruộng, rồi đến một cái căn nhà ở ngoài ngoại ô, một cái căn nhà có gác thật xinh xắn. Và tôi bước lên trên đó, thì cái thứ nhất là tôi được gặp, cũng một anh em Lục quân khác nữa, tức là anh Nguyễn Quốc Xủng, tức là về sau này anh em vẫn thường gọi là anh Đồ Long, ở chung với lại…
NMH: Nguyễn Quốc Xủng đó khác với Xủng của …
ĐVĐ: Đó là Xủng Đồ Long đó, là là Đại Việt đó. Xủng Bá Long đó. Dạ, bây giờ anh mới, tôi vừa mới biết anh bị bắt, mới bị bắt ở Việt Nam. Và ở căn gác đó, có lão đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng là cụ Cung Thúc Vấn, có lão đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng là anh Xuân Tùng. Và đặc biệt có anh Đái Đức Tuấn, có anh Đồ Long, thêm nữa lại có anh “San răng vàng” tức là những anh đó thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng. Mà anh “San răng vàng” chính là người đã giết các võ quan Nhật Bản, đấy. Thành cái cái tình cờ nó kỳ dị lắm. Và chính tôi lên đến đó, thì là tôi lại ăn cơm chung và ngủ chung một phòng với anh San, gọi là anh “San răng vàng”.
NMH: Anh, như vậy, có cái duyên của anh cũng gặp một số những cỡ là khuôn mặt lớn, lãnh tụ của cả Đại Việt Quốc Dân Đảng. Anh có thể cho tôi biết một vài nhận định của anh về những cái lãnh tụ đó không, chẳng hạn như là…ông Xủng?
ĐVĐ: Thưa anh, cho tôi trả lời trước, cái chuyện đó, tôi muốn trả lời, à muốn nói thêm đôi chút về căn – cái gác nhỏ đó. Thì đối với tôi là cái kỷ niệm thật là đẹp, mà kể cả đối với bây giờ nó là thơ mộng đối với cái sự hoạt động cách mạng ở hải ngoại đó. Trên căn gác gỗ đó, với từng đó người, mà có lẽ còn hơn nữa, nhưng tôi không nhớ rõ, vào khoảng bảy, tám người đồng chí, kể cả Đại Việt là tôi với Việt Nam Quốc Dân Đảng, mà những người như anh Xuân Tùng. Thì cái cái lợi tức của các anh em đó, để mà đùm bọc với nhau mà sống được, thì chính anh em làm bánh đậu xanh. Và vì vậy mà tuy là cụ Cung Thúc Vấn sống trên căn gác đó, nhưng mà có lẽ tôi cũng ở đó một thời gian, cũng không dưới, không dưới vài, một, hai tuần, tuần lễ. Nhưng sự thực tôi rất ít được gặp cụ Cung Thúc Vấn, là có lẽ cụ Cung Thúc Vấn đã sáng dậy rất sớm, mà đã tối về rất khuya, để đi bán cái bánh đậu xanh, để mà lấy tiền về cho anh em. Đó là một cái mẫu người, mặc dầu tôi ở chung một gác như vậy, mà hầu như bây giờ tôi ở Dallas, thỉnh thoảng tôi gặp cụ Vấn, cụ vẫn nói: kỳ quá tôi vẫn không nhớ rõ là anh ở đây hay là không. Mà sự thực ông Cung Thúc Vấn lúc đó là ông…
Đấy là tôi nói qua một cái nét đẹp của của sự chung sống và và một cái đức tính của của nhiều anh em trong cách mạng, mà đặc biệt là của cụ Cung Thúc Vấn. Anh Xuân Tùng thì luôn luôn là con người rất là biết thương anh, thương em và con người luôn luôn là rộng lượng. Và về sau này thỉnh thoảng tôi có được gặp ông ta ở Hà Nội và Sài Gòn. Rồi đến tận bên này, ngay Houston này, tôi được gặp ông một, hai lần gì đó, thì ông ta qui tiên. Nhưng đó là con người lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng, mà riêng cá nhân tôi, tôi rất kính trọng.
NMH: Còn ông Xủng, thưa anh?
ĐVĐ: Anh Xủng thì là trong Lục quân Yên Bái. Thì tôi coi đó là một đồng chí ngang chân với tôi, chứ không bao giờ tôi coi là một người lãnh tụ. Có thể là anh đóng vai trò lãnh tụ, nhưng đối với tôi, tôi vẫn coi anh là một người đồng chí ngang chân.
NMH: Thì trong giai đoạn đó, các ông ấy có nói chuyện về chính trị không? Những ông…
ĐVĐ: Nói nhiều và chính chúng tôi thì không những là đã bắt đầu, thưa anh, cái thực tế nhất là học ngay tiếng Trung Hoa. Và những người như anh Xuân Tùng, người như là anh Cung Thúc Vấn, người như là anh Đồ Long, là những người rất giỏi về tiếng Trung Hoa, nghĩa là về viết rất giỏi, và về đọc báo cũng được. Và chính tôi, thưa anh, một thời gian ngắn, trong vòng sáu tháng, tôi đã là đọc báo được, đã viết được. Và có thể nói là trong thời gian sau đó, khoảng độ một năm, thì tôi nói tiếng Trung Hoa gọi là “cóc chỉ” đó. Tôi nói ở địa phương, hầu như người ta không thấy, phân biệt được tôi là người Việt Nam, hay là người ngoại quốc, hay gì đó. Thành tiếng Trung Hoa là…
NMH: Giai đoạn đó các anh làm gì, có chương trình mục tiêu, hay là chỉ cốt là để sinh sống, tự tồn đó?
ĐVĐ: Thưa anh, là cái đầu tiên là là có lẽ tôi còn trẻ, thành thử rồi định được cái cái sự tiếp nối của sự hoạt động. Và cũng có thể vì trẻ cho nên tôi cũng được một số anh em lớn tuổi hơn, chẳng hạn như trong đó là anh Đái Đức Tuấn, rồi cái vị mà dưới tuổi Đái Đức Tuấn một chút, là bây giờ mà tôi vẫn thường gặp ở bên Mỹ này là anh Lê Văn Nhân. Thì những người đó đều trên tôi một giáp cả. Và cái sự giao du với tôi, thì coi như đó là một người em và anh không lạ gì người như anh Đái Đức Tuấn rất là nghệ sĩ, người như anh Lê Văn Nhân cũng rất nghệ sĩ. Thì tôi liên lạc với những anh em đó thường trực hơn là những anh em khác. Cho nên có lẽ là là tôi bị ảnh hưởng của anh em đó và sống hơi nghệ sĩ hơn. Và riêng tôi thì ngoài cái sự mà là gặp gỡ để mà đùm bọc lấy nhau, mà vui vẻ với nhau. Thì tôi còn đi học đại học của Trung Hoa nữa. Tại vì cái thì giờ tôi vào trong đại học cũng mất nhiều thì giờ.
NMH: Thưa anh, anh đi học đại học như vậy là do sự giới thiệu của đảng?
ĐVĐ: Của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
NMH: Tức là ông Vũ Hồng Khanh, ông ấy có liên lạc được với trung ương đảng Tàu?
ĐVĐ: Vâng, với ông Viện trưởng, hay là với Bộ giáo dục, hay là gì đó, tôi không biết.
NMH: Tức là có Đảng…
ĐVĐ: Nhưng mà tôi có được chính là ông Vũ Hồng Khanh đã giới thiệu tôi, cùng với một số anh em trẻ Việt Nam Quốc Dân Đảng khác nữa vào Vân Nam Đại Học. Và chúng tôi qua những cuộc interviews (phỏng vấn), thì chính chúng tôi đã được một cái bourse (học bổng) mà vào học.
NMH: Anh học về cái gì?
ĐVĐ: Tôi học thì sự thực là lúc đó muốn…
NMH: Tự anh muốn học cái gì? Hay là đảng chỉ định?
ĐVĐ: Dạ, không, chọn. Dạ, không, đảng không chỉ định mà tự tôi muốn học gì thì học. Nhưng mà thật tình thì mình cũng lấy cái bourse đó thôi. Thì cũng vào một cái khu viện đại học, rồi gọi là có cái sự tiếp tục học vấn. Nhưng sự thực thì cũng không có ăn nhằm gì mấy. Nhưng mà chúng tôi dẫu sao chúng tôi cũng được sống một đời sinh viên ở bên Trung Hoa, trong một thời gian…
NMH: Khoảng bao nhiêu lâu?
ĐVĐ: Khoảng một năm hơn, một năm.
NMH: Anh học đó, năm bao nhiêu?
ĐVĐ: Năm 50.
NMH: Năm 50 thì lại, tức là lại cũng tự về nước, nhưng cũng không có tổ chức. Tức là đi hoàn toàn cá nhân?
ĐVĐ: Vâng, không có tổ chức.
NMH: Cá nhân nào thì người đó đi?
ĐVĐ: Và cái tôi về nước, là thưa anh, là do tiền gia đình tôi gửi. Thời bấy giờ thì thưa anh. Dạ, thứ nhất là về nước thì tâm trạng thật ê chề, vì tuổi đời mình nó đã tăng lên sau nhiều năm rời khỏi đất nước, cắt đứt và đứng trước một sự hiện hữu: hoặc là gục đầu mà tiếp tục làm, hoặc là lại – nghĩ thôi – tương đối tôi có căn bản học vấn, mà tôi dễ học và có phương tiện học tập. Chính bà ngoại tôi, mặc dầu … Thì có bà ngoại tôi ở ngoài Bắc và bà ngoại tôi là người có của, có tiền. Thành bà ngoại tôi có nói với tôi rất rõ, bố mẹ con chỉ mong con, sau con học thuốc, thì bà cũng đủ cho đi Pháp để mà tiếp tục sự học. Thì cũng là một cái cái nghe, cũng thích lắm đấy. Nhưng mà tôi cũng lại chịu ảnh hưởng của một số anh em, đồng chí Việt Nam – ờ Đại Việt nữa của tôi, cũng như là những anh em mà tôi trên cái đường mà hoạt động đó, thì tôi cũng lại quen biết thêm nhiều anh em trong Việt Nam Quốc Dân Đảng nữa. Cho nên chọn – đó là tôi đã quyết định không tiếp tục học vấn nữa, và ở lại Hà Nội để mà kết đảng phái cho đến, thưa anh, cho đến năm 1954 thì là…
NMH: Có ai chỉ huy không?
ĐVĐ: Dạ, lúc đó thì chúng, riêng cá nhân tôi thì hoàn toàn chịu ảnh hưởng của anh Đặng Văn Sung. Và chúng tôi có một số anh qui phục anh Sung. Thì cũng có một số người tham gia vào tổ chức hậu trường và cũng có một số anh em làm ở trong công an, hay là cảnh sát, hoặc giả là công, hay là Bảo chính đoàn, hay là các cái lực lượng của chính quyền đóng ở huyện lúc bấy giờ.
NMH: Như vậy là mục đích để làm gì. Đặt người vào cơ sở chính quyền để làm gì?
ĐVĐ: Đặt người, cái thứ nhất là đặt người vào cơ sở chính quyền, để mà thưa anh. Thứ nhất là để học hỏi cách thức điều khiển guồng máy hành chánh là đầu tiên. Cái thứ nhì để phát triển. Cái thứ ba nữa cũng để mà tiếp tục chống Cộng Sản và nếu có thể dưới hình thức nào đó, mà tiện diện thì có thể mà chống Pháp. Nhưng mà giai đoạn về sau này thì sự chống Cộng Sản là ưu tiên nhất. Và có nhiều anh em rất có khả năng, đã làm việc trong cái cái guồng máy hành chánh và guồng máy Bình Định của Đại Việt lúc bấy giờ.
NMH: Như vậy, chính sách của Đảng lúc bấy giờ có thể là gọi chính sách đi của anh Sung, anh tiếp nhận chính sách của đảng qua anh Sung?
ĐVĐ: Riêng cá nhân tôi và một số anh em khác thì là như vậy. Và có thể nói ảnh hưởng của anh Sung lúc bấy giờ, sống ngay cạnh anh Sung và anh Sung là người đồng chí, người đồng học với Nguyễn Tôn Hoàn nữa. Cho nên tôi được may mắn và hân hạnh được tiếp xúc với anh Nguyễn Tôn Hoàn rất là chặt chẽ. Và đến sang năm 1951, tức là tôi về nước chưa đầy sáu, bảy tháng, sau khi đã không quyết định đi Pháp tiếp tục học nữa. Thì tôi đã được anh Hoàn mời tôi, cùng ba, bốn anh em nữa, dưới sự điều khiển, lãnh đạo của Nguyễn Tôn Hoàn ở trong Nam cùng với những cái người anh em Đại Việt khác như là anh Nguyễn Ngọc Huy, như anh Nguyễn Tú, hay là anh Thái.
NMH: Như vậy thì thưa anh, lúc bấy giờ là giữa anh Sung và anh Hoàn là hai bên có cộng tác chặt chẽ lắm?
ĐVĐ: Tôi thấy như vậy. Và tôi thấy rằng luôn luôn anh Sung, và riêng anh Sung thì anh coi anh Hoàn như một người anh em ruột. Và tôi thấy trái lại anh Hoàn cũng coi anh Sung như người ruột thịt. Vì hai anh đó là hai anh sinh viên trường Thuốc với nhau. Rồi vào cùng đảng với nhau. Thì sự thực tôi thấy giữa hai người đó tôi, nó có cái tình ruột thịt.
NMH: Thế cái gì mà để đến năm 1951, thì lại các anh ấy tách ra?
ĐVĐ: Không ạ, thì riêng tôi, đến năm 51 thì tôi vào trong – lúc đó anh Hoàn làm Bộ trưởng Thanh Niên và có một cái trường gọi là huấn luyện cán bộ trung cấp ở Nha Trang, thì anh Hoàn có mời tôi về dạy đấy, cùng với Nguyễn Tú và anh anh Nguyễn Ngọc Huy.
NMH: Vâng, tức là anh, 51 là anh đi dạy rồi đấy.
ĐVĐ: Dạ, vâng.
NMH: Tức là dạy về quân đội, quân sự hay sao?
ĐVĐ: Dạ, vâng. Tôi phụ trách về quân sự cùng với anh Nguyễn Tú, và anh Nguyễn Ngọc Huy thì dạy về chính trị.
NMH: Cái trường đó, dạy cốt đào tạo, đó là trường của chính phủ hay là?
ĐVĐ: Trường của chính phủ, nhưng mà thưa anh nó là, nói sự thực ra thì là ảnh hưởng của anh Hoàn và cũng do sự tốt ở ngôi trường đó đã sản xuất về sau này nhiều vị chỉ huy, chẳng hạn như ông Đại tá Trần Đô ở, Đại tá Nhẩy dù Trần Đô – Tỉnh trưởng Long Khánh là cũng xuất thân đó, ông Mã Sanh Nhơn. Tức là nhiều người võ quan của quân đội Việt Nam Cộng hoà về sau này là xuất thân trường đó sang.
NMH: Thưa anh, thì cái trường đó làm được bao nhiêu lâu thì…
ĐVĐ: Thưa anh, vào chúng tôi ở đấy…
NMH: Trường đấy mục đích là huấn luyện gì, thanh niên thôi?
ĐVĐ: Cán bộ trung cấp ạ.
NMH: Cán bộ trung cấp.
ĐVĐ: Nhưng mà sự thực đấy là cán bộ trung cấp, nhưng mà có huấn luyện kể cả về chính trị, về quân sự. Để mà sẵn sàng nếu hoàn cảnh mà tiện, thì có thể trở thành những người chỉ huy bán võ trang, hay là para-militaire (bán quân sự), để tuỳ theo cái tình hình của của chính trị lúc bấy giờ. Đa số những người mà tốt nghiệp ở đó sau thì đã có sự gửi gắm và chỉ thị là sáp nhập…
Đặng Văn Đệ 3 –VP-NMH-A030
NMH: Thưa anh, bây giờ nói tiếp tục cái chuyện anh nói về cái chuyện mà anh bảo là những người được huấn luyện trong Nha Trang đó, thì về sau sẽ tự sáp nhập vào, được khuyến cáo là nếu có thể thì vào quân đội Quốc Gia, vì thế mới ra những anh chỉ huy về sau này. Thưa anh, thì xin anh cho biết là cái trường ở Nha Trang đó, huấn luyện trong vòng bao nhiêu tháng và sau khi cán bộ trung cấp đi ra thì họ làm cái gì?
ĐVĐ: Dạ, huấn luyện thì trong vòng sáu tháng là một khoá. Mà sau khi ra đó, thì có một số về làm cho hoặc giả là Bộ Thanh niên, để làm các gọi là huấn luyện viên thể dục. Và một số được khuyến khích kỹ lưỡng của chính của ông Nguyễn Tôn Hoàn, hay là hệ thống của Đại Việt Miền Nam là đi vào quân đội của Việt Nam Cộng Hòa qua cửa…
NMH: Thưa anh, những cái người vào đó thì phải có điều kiện văn hoá gì?
ĐVĐ: Những cái người, thứ nhất là là những cái anh em mà học viên của Trường Trung tâm cán bộ Thanh niên ở Nha Trang đó, thì mà đa số đã trên trình độ đó.
NMH: Dạ, thưa anh, về sau đó, anh anh ở đấy bao nhiêu lâu, rồi anh làm gì tiếp tục…đó giai đoạn 51?
ĐVĐ: Tôi ở cái trường đó, tôi dạy trên hai khóa, thì tôi lại trở về lại ra Bắc. Và tôi và tôi, từ đó tôi hợp tác một cách bí mật với lại Mỹ. Mà tôi nghĩ rằng, tôi hãnh diện trong cái sự hợp tác đó.
NMH: Tức là bấy giờ móc nối được quốc tế rồi đấy, vào giai đoạn?
ĐVĐ: Dạ, vâng. Tôi tôi hãnh diện là vì thế này. Cái thứ nhất là một người Quốc Gia yêu nước, chúng tôi không thể nào mà…
NMH: Từ năm 52 đó, đã hợp tác với Mỹ rồi.
ĐVĐ: Từ 52.
NMH: Thế Pháp nó có phản đối?
ĐVĐ: Dạ, hoàn toàn là bí mật, nghĩa là tôi hoạt động bí mật hợp tác với Mỹ. Có lẽ là nếu mà để lộ thì phiền với Pháp lắm. Nhưng mà trong sự hoạt động của tôi với Mỹ lúc bấy giờ, là tôi qua hệ thống anh em. Chúng tôi có đủ dữ kiện tin tức, để biết rằng cuộc chiến tranh đó, nếu Pháp thực dân muốn nắm độc quyền trong cuộc chiến tranh chống Cộng Sản Việt Nam, thì chắc chắn thua. Và muốn nói cho Mỹ rõ là quá cần thiết, cần phải thuyết phục Pháp phải thật thà giúp xây dựng và tạo nên một quân đội Quốc Gia Việt Nam chống Cộng Sản, thì may ra mới có thể thắng được cuộc chiến tranh.
NMH: Thưa anh, cái sự hợp tác đó là do sự móc nối của đảng Đại Việt, hay là do người Mỹ móc nối?
ĐVĐ: Cả hai bên.
NMH: Hai bên móc nối nhau, dạ.
ĐVĐ: Mà tôi, thứ nhất là vì ngoại ngữ tôi, tôi đã lưu loát ngay từ lúc bấy giờ, nên cái tính tôi thích làm cái loại công việc như vậy. Thành từ đó, chúng tôi đã trực tiếp tham gia, đứng trước người Mỹ mà có cái trách nhiệm.
NMH: Thưa anh, những viên chức đó, họ trong Tòa Đại sứ Mỹ hay là họ ở đâu, làm sao mà anh tìm thấy chứ?
ĐVĐ: Có thể trong Tòa Đại sứ và có thể họ làm cho cho sở thông tin của Mỹ, tỷ dụ như vậy, chính vì thế…
NMH: Lúc đó đã có rồi.
ĐVĐ: Dạ, có rồi.
NMH: Mà anh liên lạc thì kín đáo hay là công khai?
ĐVĐ: Tôi liên lạc hoàn toàn kín đáo. Nhưng mà sự tiếp xúc xảy ra vào khoảng một tuần một lần, nhưng mà hoàn toàn kín đáo.
NMH: Hoàn toàn bí mật.
ĐVĐ: Dạ, hoàn toàn bí mật.
NMH: Dạ, thế thì cái mục tiêu khởi sự như vậy, tức là cái đó là chính sách chính thức của đảng Đại Việt, hay là chỉ có một phe thôi?
ĐVĐ: Cái đó thì thưa anh, bảo là của đảng Đại Việt, hay chính sách chính thức cái gì thì tôi không, không có thể trả lời được. Là vì sự thực đảng Đại Việt lúc đó, nó chia ra làm nhiều mảnh rồi.
NMH: Dạ, tức năm 52 đó?
ĐVĐ: Thì chúng tôi có hoạt động với một cái mảnh, mà cái mảnh đó có sự liên lạc đó. Và tôi thấy riêng chúng tôi, tôi thấy đó là cái đường đi đúng.
NMH: Vâng, vâng. Tức là ngoài Bắc thì có cái chuyện đó.
ĐVĐ: Dạ, vâng.
NMH: Còn miền Nam thì anh anh không biết?
ĐVĐ: Dạ, trong Nam thì tôi không biết.
NMH: Dạ, vâng. Thế thì suốt từ năm 52 đến sau này thì có kết kết quả gì không, người Mỹ có giúp đỡ được cái gì không?
ĐVĐ: Cái thứ nhất là tôi thấy về báo chí của Mỹ ngay lúc bấy giờ, đã tường thuật cái chiến tranh ở Đông Dương, có thể một cách chính xác hơn.
NMH: Anh nghĩ đó là do cái cái việc làm của anh?
ĐVĐ: Một phần nào đó… một phần nào đó. Vì chúng tôi thu lượm tình hình chiến sự trực tiếp và tại chỗ. Và chúng tôi, thêm nữa chúng tôi cũng có một số anh em cũng là các sĩ quan chỉ huy ở trong quân đội Pháp, hay là quân đội partisan của Pháp, mà đó là những người đồng chí của chúng tôi. Thành ra có thể qua những người đó, chúng tôi lại biết tình hình chiến sự một cách lại còn cụ thể hơn nữa. Và biết vấn đề của quân đội Pháp.
NMH: Tức là anh, bên phía các anh đó, các anh cung cấp được tình hình chính trị, quân sự cho họ. Về phía bên họ thì họ làm gì cho mình?
ĐVĐ: Thì một trong những cái mà chúng tôi mong đợi ở bên kia đó, là với cái tin tức chính xác về chiến sự như vậy, thì cố gây ảnh hưởng với lại cấp lãnh đạo của Hoa Kỳ là phải áp lực với Pháp, là đã đến lúc quá cần thiết Pháp phải nhường quyền dần dần lại cho những người Quốc Gia Việt Nam. Và Pháp phải thực thà cố giúp chính quyền Việt Nam, tạo dựng lấy một cái quân đội Việt Nam cho nó đàng hoàng, may ra mới có thể đối phó được với lại Cộng Sản.
NMH: Vể cái phương diện kết quả đó, như anh nói thì báo chí đã có như vậy rồi. Thế còn về vấn đề mà Mỹ làm áp lực với Pháp để cho mình có nhiều quyền lợi trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa đó, thì anh thấy ít nhất là về phương diện thực tế, anh có thấy có kết quả gì không?
ĐVĐ: Tôi thấy có kết quả.
NMH: Thí dụ đối với những anh em đảng Đại Việt chẳng hạn ở trong quân đội thì sao?
ĐVĐ: À cái đó, cái kết quả chẳng hạn như là Pháp đã chịu cho quân đội mình thành lập những cái trung tâm huấn luyện như ở Đà Lạt chẳng hạn. Có thể là rút bớt cố vấn của Pháp bên cạnh những cái đơn vị nhỏ của mình chẳng hạn như vậy. Mà kể cả như là quân đội, như là Bảo chính đoàn chẳng hạn. Như vậy thì Pháp cũng để cho ông Thủ hiến Bắc Việt nhiều quyền hơn và chủ động hơn. Và những chương trình như là ở Bính Động hay nọ kia, huấn luyện thì cái vai trò huấn luyện đó, để giao tay vào những người chỉ huy Việt Nam nhiều hơn là người Pháp.
NMH: Xin anh cho biết Bính Động là có, Trung tâm huấn luyện Bính Động là huấn luyện cái gì?
ĐVĐ: Huấn luyện. Thưa anh, là cái quân đội Bảo chính đoàn đó, là quân đội như là nó của cái chính quyền Bắc Việt. Thì cái đó là những quân đội nó không hoàn toàn là quân đội chính qui, nhưng quân đội bán chính qui.
NMH: Tức là huấn luyện kiểu binh nhì đó phải không ạ?
ĐVĐ: Dạ, không. Có cả sĩ quan, anh.
NMH: Huấn luyện Bính Động, Bính Động từ binh nhì lên sĩ quan?
ĐVĐ: Không, Bính Động là từ từ sĩ quan, từ cấp chuẩn úy cho đến thiếu úy cho Bảo chính đoàn. Nó cũng như là, thưa anh, một cái quân đội sulbaterne (cấp dưới) thì đúng hơn.
NMH: Thưa anh, thì còn nữa, cái trường đó nó lập vào năm nào?
ĐVĐ: Dạ năm…
NMH: Trước trường…
ĐVĐ: Năm… tôi thấy là năm 51, 52, 53 đã có.
NMH: Đã có rồi. Thế còn trường Hòn Gai?
ĐVĐ: Trường Hòn Gai lại là của trung sĩ, tức là nó non-commissioned officers (hạ sĩ quan). Chứ cái trường Bính Động theo như tôi biết là, cái thứ nhất là huấn luyện, đào tạo ra những chuẩn úy cho Bảo chính đoàn.
NMH: Trường đó ở đâu anh?
ĐVĐ: Ở Hải Phòng ạ.
NMH: Tức là Hòn Gai là huấn luyện trung sĩ đó.
ĐVĐ: Dạ, vâng.
NMH: Còn Bính Động thì huấn luyện, huấn luyện cho chuẩn uý đó. Thế về sau này thì trường đó…
ĐVĐ: Thì những cái người tốt nghiệp trường đó là những sĩ quan chỉ huy cho cái lực lượng Bảo chính đoàn. Mà lực lượng Bảo chính đoàn là do sự điều khiển của ông Thủ hiến, chứ không phải thuộc Bộ quốc phòng.
NMH: A à, vâng.
ĐVĐ: Nó không phải hoàn toàn chính qui, nó là một cái lực lượng bán chính qui.
NMH: Vâng, thưa anh. Trong khi đó vẫn có một trường sĩ quan khác dạy…
ĐVĐ: Nhưng mà về sau này, đến khi mà mất Bắc Việt đó thì cái số mà anh em trong cái cái cái lực lượng đó – bán chính qui đó, đã được sáp nhập vào quân đội chính qui hoàn toàn.
NMH: Thưa anh, thì ông ông Thủ hiến – ông có biết chuyện đó không. Ông Trí là người Đại Việt hồi đó?
ĐVĐ: Tôi không hiểu là ông Trí thì có biết rõ cái vụ mà mà liên lạc, ông có biết thật rõ không, nhưng mà chắc chắn ông không biết.
NMH: Có thông báo không, tức là có cái sự phối hợp giữa bên…
ĐVĐ: Tôi nghĩ là…
NMH: Bên Đảng và người ông Trí?
ĐVĐ: Tôi nghĩ là có một phần nào, không trực tiếp với ông Trí, thì ít nhất cũng trực tiếp với những cái người mà trực tiếp ngay dưới quyền ông Trí. Chẳng hạn như ông – cụ Trần Như Thuần, là cụ đứng đầu cái cơ quan Bình Định ở Phủ Thủ hiến. Thì cụ Trần Như Thuần là phải biết những cái đó. Vì chính không những cụ Thuần, mà những cái người anh em tay mặt, tay trái của ông Trần Như Thuần, là chính những người đó đã trực tiếp hoạt động với chúng tôi.
NMH: Thế thì anh hoạt động trong giai đoạn đó suốt từ 52 cho đến 54 trong cái là chức vụ đó.
ĐVĐ: Vâng.
NMH: Thế anh chuyên môn liên lạc với họ để, để làm những công chuyện, tức anh như là cái người mà liên lạc giữa bên Đại Việt và bên họ?
ĐVĐ: Vâng, tôi như là một người coordinator (người phối hợp), đấy là một người…
NMH: Để lo những chuyện đó.
ĐVĐ: Dạ, vâng. Nhưng mà trong, hoàn toàn là trong trong… với sự bảo mật tối đa. Tức là bề ngoài không bao giờ nói.
NMH: Thế rồi thì chấm dứt – đến năm 54.
ĐVĐ: Đến năm 54 thì chấm dứt, nói là chấm dứt nhưng chúng tôi cũng có gây cơ sở ngoài đó. Và đến lúc mà vô Nam thì chúng tôi vẫn tiếp tục huấn luyện một số anh em, để mà bắt, để mà gây cơ sở kháng chiến.
NMH: Vâng, thưa anh, thưa anh. Cái giai đoạn, lúc bấy giờ thì anh lấy cái cover (cái dù, ngụy trang) là cái gì?
ĐVĐ: Dạ, lúc vào Nam đó?
NMH: Không, ở ngoài Bắc đó, thì anh làm, lấy cover là cái gì?
ĐVĐ: Lấy cover thì lúc đó tôi đã là được assimilé (đồng hóa) vào trong cái Bảo chính đoàn đó, và tôi đã làm phó giám đốc một trung tâm huấn luyện ở Hà Đông.
NMH: Thưa anh, dưới danh nghĩa đó, anh liên lạc và cài đặt đó?
ĐVĐ: Dạ, tôi làm phó giám đốc một trung tâm huấn luyện trung sĩ ở Hà Đông, tiếng là nó cách Hà Nội chỉ có mười cây số bao nhiêu, thưa anh. Mà tôi làm phó giám đốc, thành do đó mà tôi có nhiều thì giờ hơn cho họ.
NMH: Anh, giai đoạn cuối cùng, có một số sách Mỹ, họ có nói về cái sự liên hệ của anh Sung với ông Lansdale. Thì xin anh cho tôi biết, nếu có thể được, về cái tác vụ đó và cái liên hệ giữa cái đó với cái việc ông Đỗ Đình Đạo tính ở lại Hà Nội?
ĐVĐ: Tôi thì liên lạc với anh Đạo có thể nói là hàng ngày, mà anh Đạo đối với tôi thì thưa anh, anh không coi anh là người chỉ huy của tôi, anh Đạo coi tôi như là em của anh, anh Đạo rất là thương mến tôi.
NMH: Anh Đạo là Việt Quốc, nhưng anh là Đại Việt?
ĐVĐ: Dạ, anh Đạo là Việt Quốc nhưng rất là là mến tôi, rất là thích tôi, về mặt cá nhân anh rất thích. Và mặc dầu tôi dưới tuổi anh nhưng coi tôi như là bạn của anh, chứ không phải anh cấp lãnh đạo của tôi, là đàn anh thôi. Anh Đạo, sự liên lạc giữa tôi và anh Đạo rất tốt. Vì tôi đã là phụ tá của một người đồng chí rất thân của anh Đạo là anh Dị ở Yên Bái, thời à thời kỳ ở Lào Cai và thời kỳ ở Sập Nhị Lầu. Cho nên qua cái sự liên lạc của anh Dị…
NMH: Nhưng chỉ có cá nhân thôi, chứ còn giữa đảng Đại Việt – Quốc Dân Đảng thì có phối hợp nhau trong cái hoạt động đó không?
ĐVĐ: Tôi nghĩ anh Đạo là cái người rất cởi mở, mà con người tinh thần rất là phóng khoáng. Và tôi cho những cái cái nhân vật như anh là Đỗ Đình Đạo nọ kia thì cái màu sắc về phe phái rất là nhẹ đứng trước quyền lợi của Tổ Quốc.
NMH: Như vậy tức là…
ĐVĐ: Tôi chắc chắn như vậy.
NMH: Như vậy giữa anh và với tư cách Đại Việt và với anh Đạo là một người của Việt Quốc, có cái sự phối hợp trong cái kế hoạch đó, tức là phục vụ một mục tiêu?
ĐVĐ: Một phần nào có.
NMH: Thế anh có liên hệ gì cái vụ anh Đạo quyết định ở lại không?
ĐVĐ: Sự thực tôi thì không có liên hệ trực tiếp đến chuyện đó. Nhưng những cái người mà đặc biệt tôi thân, hay liên lạc đặc biệt với anh Nguyễn Duy Dị. Thì Duy Dị rất là là gần và rất là thân với anh Đỗ Đình Đạo. Và trong cái kế hoạch ở lại, thì chắc chắn anh Đạo nghĩ anh Dị là một người sẽ đóng vai trò khá quan trọng. Bởi vì anh Dị có quá trình của một người chỉ huy cách mạng, về quân sự có thể nói là khá nổi tiếng trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng.
NMH: Thì ông ông Đạo đó, về sau thì ông bị ám bị chết đó, thì anh có cho là đó là một lý do mà ông Đỗ Đình Đạo?
ĐVĐ: Tôi thì tôi nghĩ… tôi nghĩ là theo như tôi, vì tôi cũng biết bà Thuỵ An. Tôi cũng thỉnh thoảng ngồi ăn cơm, hay là uống rượu với anh Đạo, có bà Thuỵ An. Cho đến giờ phút này, tôi vẫn tin cái sự mưu sát đó, hay là cuộc ám sát ông Đỗ Đình Đạo đó là cuộc vì tình, chứ không phải là vì chính trị. Tôi cho là một cái tình đến sự ghen tuông quá độ mà đã xảy ra cái đó, thì tôi cho không phải là chính trị, riêng tôi, tôi nghĩ như vậy.
NMH: Thưa anh, anh ở tỉnh, thì xin anh cho biết cái operation (hoạt động) khi mà các anh định, quyết định, anh có quyết định rút lui vào Nam phải không?
ĐVĐ: Dạ, có.
NMH: Nhưng mà trước khi rút lui vào Nam, có quyết định lập lại cơ sở ở Bắc?
ĐVĐ: Dạ, vâng.
NMH: Thì cái cái mục tiêu của cơ sở làm gì, các anh tính gì khi mà định làm cái cơ sở?
ĐVĐ: Cái thứ nhất là những vùng nào mà chúng tôi có anh em thân chỉ huy những vùng đó đã có cái cái nhiệm vụ là cấy người ở lại và chuẩn bị cái cơ sở hoạt động trong tương lai, tức là dưới chế độ của Cộng Sản, hoạt động âm thầm và để lại một số dụng cụ, như là máy truyền tin, hoặc giả là súng ống. Nếu có thể thì chúng tôi đã lấy được những súng ống nào mà có thể lấy được, đơn vị này, đơn vị khác, qua sự giao thiệp này, giao thiệp khác với các cái quân đội chính qui, hay là bán chính qui, anh. Thì để chôn sẵn một số và đặt lại một số người anh em xung phong ở lại để mà tiếp nối cái hoạt động. Thì đó là, nhưng mà cái công việc chuẩn bị đó nó cũng chỉ trong vòng ngắn thôi, từ khoảng, riêng tôi thì tôi phụ trách vào khoảng từ 3 – 6 tháng là nhiều, chứ không có hơn.
NMH: Từ 3 – 6 tháng, của năm 1954?
ĐVĐ: Năm 54. Và riêng tôi thì tôi đã là vào Nam vào tháng 7 năm 1954.
NMH: Có đặt cơ sở lại, mục tiêu để làm gì, anh có nghĩ là sẽ trở lại hay sao mà lập?
ĐVĐ: Cái thứ nhất là cái đó là một cái quyết định của – tôi tạm gọi là đoàn thể đi, thì thưa anh, cái đoàn thể Đại Việt phải nói là đoàn thể có ảnh hưởng rất lớn ở ngoài Bắc, thưa anh. Mà cái đương nhiên là ảnh hưởng lớn như vậy, thì phải nghĩ đến lúc nào đó, mong đợi rằng có thể tái chiếm lại Bắc Việt trong một thời gian nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó của đất nước. Vì có một số người ở lại, đảng viên – chúng tôi, có số đảng viên tình nguyện ở lại. Và chúng bắn những cái cái dụng cụ mà nghĩ rằng có thể hữu ích cho một cái công cuộc mà tiến lên cho cách mạng Cộng Sản. Thì chúng tôi cứ thế mà chôn dấu và giữ lại mà đón trường hợp mà hữu dụng về sau này thì đó là những anh…
NMH: Tức là cái người để dành, chứ không phải cái người để làm cuộc kháng chiến ngay sau?
ĐVĐ: Dạ, không. Cái người để dành sẵn đấy, chứ còn chưa phải để phục vụ, nghĩa là…
NMH: Làm cuộc chống đối?
ĐVĐ: Dạ, là làm cuộc chống đối, như là phát, phát động ngay không được.
NMH: Đó là kế hoạch đó riêng, khác hẳn với kế hoạch của ông Đỗ Đình Đạo?
ĐVĐ: Tôi nghĩ là nó không có cái riêng, anh, có cùng một cái kế hoạch. 54 là chúng tôi có một thời gian là, vì tôi là một người quân sự đó, thành chúng tôi cũng lại tiếp tục huấn luyện–cấp nhỏ thôi, trong giới hạn rất là nhỏ hẹp thôi– một số anh em, cùng có một số anh em đó thì chúng tôi đã gửi một vài đoàn, tức là không có nhiều, nhưng cũng vào khoảng, mỗi lần như vậy thì một chục người, trên một chục người sang để huấn luyện đặc biệt ở bên nội tuyến, của một cái người chiến sĩ bóng tối, một người chiến sĩ du kích.
NMH: Có người nào được gửi trở lại Bắc?
ĐVĐ: Có.
NMH: Có kết quả?
ĐVĐ: Bây giờ theo như cái chuyện đó thì cũng đã liên lạc được một số anh em ở cơ sở ngoài Bắc thì có. Nhưng mà tiếc thay là thưa anh, chính quyền không những không chấp thuận, mà trái lại tìm mọi cách hủy diệt cái hoạt động đó của chúng tôi. Vì chính quyền đương thời lúc bấy giờ muốn toàn quyền trong vấn đề gọi là tổ chức cơ sở kháng chiến ngoài Bắc. Chính quyền cũng cũng muốn làm chuyện đó. Họ cũng muốn làm đó.
NMH: Họ có làm không?
ĐVĐ: Tôi không biết là họ có, dẫu sao đi nữa thì chính quyền của Đệ nhất Cộng hòa là một chính quyền rất nhiều người lãnh đạo là thuộc Thiên chúa giáo, kể cả ông Diệm, hay là ông Nhu. Mà với cái nhóm người dân tị nạn từ Bắc vô đó là người Thiên Chúa Giáo. Và với những cái cái cơ sở tôn giáo, Thiên Chúa Giáo rất lớn ở ngoài Bắc như là Bùi – Diệm (Phát Diệm – Bùi Chu), cái vùng Ninh Bình, biết bao nhiêu là cái vùng lớn như vậy. Thì không chính thức thì cũng bán chính thức, đương nhiên là có những tổ chức nghĩa là ôm ấp một cái mộng.
NMH: Như vậy, tổ chức của anh như vậy là hoàn toàn ngoài khuôn khổ của chính quyền?
ĐVĐ: Hoàn toàn.
NMH: Chỉ có sự liên hệ giữa Đảng?
ĐVĐ: Thành vì vậy cho đến lúc mà gọi là cái chính quyền của miền Nam vững rồi, độc quyền đối với Mỹ về ngân khoản, cũng như về quyền lực để mà chỉ huy tất cả những hoạt động nào ở ngoài về mấy cái việc và bị ảnh hưởng là hoạt động của chúng tôi. Cái thứ nhất là ở trong Nam bị dòm ngó. Mỹ thì nó chỉ là giai đoạn đồng minh, đồng minh giai đoạn thì thưa anh mình đâu có phải là con đẻ của Mỹ đâu anh. Nó dùng mình làm phương tiện, mình dùng lại nó làm phương tiện. Thì thưa anh, Mỹ anh còn lạ gì nó. Mình không có trách gì cả nhưng nó nó là vậy. Và với chính quyền mà họ lúc đó cố củng cố, và cố yểm trợ như chính quyền, thì đương nhiên chính quyền có ưu tiên hơn là một nhóm đoàn thể yêu nước, mà rồi thì…
NMH: Tức là sau đó thì người Mỹ nhận thấy…
ĐVĐ: Có liên lạc nhưng mà nó không còn với tính cách gọi là… nó đi vào một cái hoạt động rõ rệt như vậy.
NMH: Có trợ giúp gì nữa không?
ĐVĐ: Sự trợ giúp thì không còn. Mà sự thực chúng tôi lúc mà hoạt động với Mỹ, thì cũng không nghĩ rằng để mà lĩnh lương của Mỹ, thì không bao giờ có.
NMH: Có nhiều khi gửi người sang Okinawa chẳng hạn?
ĐVĐ: À vâng. Thì đó là những cái nơi đó là trung tâm huấn luyện của họ. Vì là cái huấn luyện.
NMH: Họ, tức là nó giúp mình huấn luyện.
ĐVĐ: Dạ, huấn luyện mà với rất nhiều phương tiện tối tân, rất là tân kỳ. Thưa anh, bằng chứng là…
NMH: Nhưng mà sự chỉ huy thì mình chỉ huy, những operation thì mình chỉ huy.
ĐVĐ: Dạ operation thì mình hoàn toàn chỉ huy.
NMH: Người của mình?
ĐVĐ: Nhưng mà cái kén chọn mà của những số người mà chúng tôi gửi đi sang Okinawa, thì sự kén chọn khá kỹ càng, sự huấn luyện đó có kết quả. Mà đó là một sự huấn luyện đặc biệt, rất công phu.
NMH: Như vậy, những người đó là người của đảng Đại Việt?
ĐVĐ: Hình như cũng có người, thì cái đó tôi không được biết. Nhưng mà tôi ít nhất thì tôi cũng là một trong những cái người mà gọi là…
NMH: Okinawa.
ĐVĐ: Riêng tôi thì không được biết, tôi chỉ biết về phía Đại Việt chúng tôi thì có.
NMH: Anh làm những chuyện đó thì ông Diệm sao ông không biết?
ĐVĐ: Dạ, không. Cái đó là đi kín, chứ đâu có…
NMH: À, thế à.
ĐVĐ: Dạ, vâng. Hoàn toàn đi kín. Thưa anh, thì máy bay Mỹ thì ở Air America chẳng hạn như vậy, thì lên là tếch đi từ Việt Nam sang Nhật thì có nghĩa lý gì.
NMH: Thưa anh, xin anh cho tôi hỏi một câu hỏi tổng quát là: anh hoạt động trong Đại Việt, trong đoàn thể suốt từ hồi anh còn nhỏ cho đến qua giai đoạn kháng chiến, rồi đến cái giai đoạn năm 1954 là năm phải ra đi đó. Thì anh có quan niệm, hay có ý kiến gì về những ưu, khuyết điểm của cái đoàn thể của anh phục vụ?
ĐVĐ: Thưa anh, ưu điểm quá nhiều ưu điểm. Ưu điểm đó là đã và luôn luôn những cái đảng viên của đoàn thể chúng tôi là vẫn còn, quan trọng hết sức. Tôi coi đó là ưu điểm. Nhưng về khuyết điểm thì rất nhiều khuyết điểm. Hệ thống của kẻ thù tức là hệ thống Cộng Sản, mà trước đó là hệ thống của thực dân Pháp, thì sau khi…
NMH: Mục tiêu của đảng Đại Việt dĩ nhiên là giành lại độc lập cho Tổ quốc. Và dĩ nhiên là cũng phải muốn chỉ huy cái việc giành lại độc lập đó. Thì Đại Việt đã thất bại trong cái đó. Anh nghĩ yếu tố nào, kỷ luật lỏng lẻo, bản thân anh nghĩ là cái yếu tố gì đã khiến cho đảng Đại Việt bị thất bại trong việc tranh đua giành lấy chính quyền?
ĐVĐ: Rồi từng này tuổi đời, chắc chắn phải thất bại, không lý do gì mà thắng nổi. Cái thứ nhất là Đảng Đại Việt đã…
NMH: Mình có thể gọi là Đảng Đại Việt gần như là cầm quyền ở ngoài Bắc có phải không anh?
ĐVĐ: Dạ.
NMH: Thì cái gì đã khiến cho Đại Việt không củng cố được cơ sở, cái gì đã khiến cho không vận động được sự giúp đỡ của Mỹ thật tình và sự cộng tác của người Pháp, thành ra mình không đạt được mục tiêu mình mong muốn?
ĐVĐ: Cái đó…tôi nghĩ là lại trở về lại với những khuyết điểm lớn của đảng Đại Việt như những cái đảng phái Quốc Gia khác nữa. Tức là thiếu cá tính, thì thưa anh nó dễ dễ đụng chạm, nản. Mà tôi, đời tôi nếu có được làm gì, tôi không muốn trông thấy những cái điểm đó nữa, của cá tính để làm hại cái việc chung. Mà tôi nghĩ rằng đã biết được cái hậu quả ê chề đến như thế này, mà trong đó dẫu sao tôi cũng là một nạn nhân. Thì tôi thấy về sau nếu muốn làm gì, thì phải có một hệ thống làm thế nào để để đối chọi về cá tính, chứ không thì…không thành được.
Bạn có thể thích
Sách của con trai thời Pháp thuộc: một nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 2)
PHỎNG VẤN NGUYỄN PHƯƠNG MINH
Biển Đông thời viễn cổ (trước thế kỉ 10), phần 2
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên