Lịch sử Việt-Mỹ
“Tôi Muốn Kể Lại Chuyện của Tôi”: Ký giả Nguyễn Tú và Cái Giá của Sự Can Đảm (1)
Published on
“Tôi Muốn Kể Lại Chuyện của Tôi”: Ký giả Nguyễn Tú và Cái Giá của Sự Can Đảm (Phần 1, Phần 2, Phần 3)
(Bản gốc tiếng Anh: “I Want to Tell My Story”: Journalist Nguyen Tu and the Price of Courage)
Người dịch: Phan Lê Dũng
Tôi lái xe vào bãi đậu xe của tòa chung cư nhỏ ở Alexandria, tiểu bang Virginia, nơi cư ngụ của ký giả Nguyễn Tú. Tòa chung cư, cũng giống bạn tôi, già nua, dày sương, dạn gió nhưng vẫn còn hoạt động. Tắt máy xe, ngồi lặng trong giây lát, tôi nghĩ về những câu hỏi muốn hỏi. Đây là lần thứ 9 trong năm cuối tôi phỏng vấn ông. Ông Tú chẳng bao giờ cho biết lý do ông cứ đồng ý gặp tôi. Có lẽ là do tính chất ký giả tiềm ẩn trong ông. Tuy không muốn bản thân ông là một phần của câu chuyện, nỗ lực tìm tòi để tìm cho được câu chuyện là một vấn đề ông xem trọng.
Trong cuộc sống, ông Tú đã từng là chiến sĩ, là kẻ lang thang, là nhân viên cao cấp của chính phủ, là ký giả, và là một người tị nạn. Khi được biết về những biến cố khó thể tưởng trong đời ông, đã nhiều lần tôi xin ông viết hồi ký, nhưng ông luôn từ chối. Ông nói, “Tôi biết quá nhiều về cuộc sống của nhiều người, biết quá nhiều biến cố, và một kẻ mất nước như tôi lấy thẩm quyền gì để viết chuyện lịch sử?” Tôi thường lắc đầu, không hiểu nổi những hố sâu ngăn cách văn hóa giữa tôi và ông. Có lẽ vì là người Mỹ, tôi không thể hiểu được sự ngần ngại của ông. Ông đã chứng kiến nhiều biến cố chính trong lịch sử tiến hóa hiện đại của quốc gia ông. Để cuộc hành trình khác thường của ông cùng theo ông vào lòng đất sẽ là một sự mất mát đáng tiếc cho cả lịch sử, lẫn những người Miền Nam Việt Nam. Tôi không thể để điều đó xảy ra.
Tuy ông khước từ không viết hồi ký, tôi vẫn trở lại căn phòng chật chội của ông để ghi lại hết câu chuyện khó thể tưởng này đến câu chuyện khó thể tưởng khác. Căn phòng ông ở tràn ngập với từng đống báo, sách, tuần san. Một số người có thể cho rằng ông là người thích tích trữ, không chịu vứt bỏ những thứ không cần thiết, nhưng riêng ông Tú lại nghĩ rằng những đống sách, báo cao nghệu đó là những tài liệu sách vở giúp ông viết lách những mẩu tin ông vẫn viết cho nhiều tờ báo tiếng Việt ở Mỹ.
Khi ra khỏi xe, đi bộ đến cửa tòa chung cư, tôi vẫn chưa biết rằng hôm nay, ngày 19 tháng 10, năm 2009 sẽ là một ngày khác. Sau buổi nói chuyện, khi tôi chuẩn bị rời phòng ông Tú nắm tay tôi. Sau vài giây im lặng, nhìn tôi ông nói, “Tôi muốn kể lại câu chuyện của tôi.” Cuối cùng, yếu tố ký giả đã vượt qua những tính thận trọng của con người phật tử trong ông. Tôi ra về tinh thần phơi phới, chưa biết rằng đây là lần cuối tôi sẽ gặp một trong những người ly kỳ nhất trong tất cả những người tôi từng gặp. Kể lại lịch sử, như tôi đã được học, không bao giờ là chuyện đơn giản.
***
Nguyễn Đình Tú, thường được các bạn thân ông gọi là Nguyễn Tú hoặc Tú Hai, sinh ở Hà Nội vào ngày 26 tháng 12, 1924. Ông là ký giả chiến trường được trọng vọng và là biên tập viên của báo Chính Luận, tờ báo có ảnh hướng nhất của Miền Nam Việt Nam. Chưa bao giờ lập gia đình và không có con, ông muốn có tự do, tự do hoàn toàn theo đuổi những đam mê báo chí, theo tiếng gọi của đời ông. Cha mẹ ông là người giàu có, là chủ một vi-la lớn, chủ phân nửa một con đường Hà Nội, hơn cả chục bin-đinh, và 600 mẫu ruộng ở Tuyên Quang. Ông có một người anh, nhưng mất từ ngày còn bé. Cha mẹ ông cũng qua đời khi ông còn ở tuổi thiếu niên. Thảm kịch này đã buộc ông phải học cách tự lo thân từ lúc thiếu thời.
Mẹ ông mất năm ông 13 tuổi. Là người con hết sức thương mẹ, ông quá thương cảm đến độ ốm và bỏ học cả năm. Để giúp ông vơi bớt thương cảm, bố ông đã gửi ông vào sống ở chùa. Gia đình ông là gia đình phật tử đã nhiều thế hệ. Ngày ông còn bé, bố ông thường mời một vị sư được trọng vọng đến nhà gần như hàng tuần để bàn luận về đạo Phật. Cụ cho phép ông được ngồi nghe để biết về đạo Phật. Cụ chỉ muốn ông nghe và bảo ông: “Bây giờ chưa hiểu hết, nhưng rồi sau này con sẽ hiểu.” May mắn cho ông, những bài học từ những câu chuyện này, và cuộc sống tĩnh lặng ở chùa đã giúp ông bình tâm trở lại, và ông rời chùa với tâm thức trưởng thành hơn. Đạo phật và những lời dạy của vị sư cũng đã giúp ông có được sự bình thản để chịu đựng những sự khốn khổ của 13 năm tù về sau khi cuộc chiến kết thúc.
Cha mẹ ông Tú đã cho ông một căn bản học vấn vượt trội. Khi nhìn lại, ông thấy rằng tất cả những gì ông có đều nhờ cha ông. Cụ đã uốn nắn ông và chuẩn bị để ông có thể đối diện với những thực tế khắc nghiệt của Việt Nam. Muốn ông viết chữ đẹp, cụ đã dạy ông chữ Hán, bắt ông phải học tiếng La-Tinh 6 năm, và tiếng Hy-Lạp 4 năm. Khi ở chùa, ông trở thành bạn thân của một vị sư có học vấn cao. Cha ông và vị sư đã khơi dậy khát vọng kiến thức trong ông. Sáng chủ nhật nào ông cũng đến thư viện, và là người cuối cùng rời thư viện.
Đây cũng chính là nơi đã giúp ông có những hiểu biết đầu tiên về chủ nghĩa Cộng Sản. Sự hiểu biết đó đến từ sách. Một lần, khi đến quầy trả sách trong thư viện, ông nhìn thấy một quyển sách viết về chủ nghĩa Marx. Ông xin được mượn, nhưng nhân viên thư viện không cho vì đó là sách cấm. Ông Tú năn nỉ mãi, cuối cùng người nhân viên đồng ý với điều kiện ông phải hứa không được tiết lộ chuyện này với ai, và phải đem trả sách ngay sau 1 tuần. Quyển sách có một chương viết về các thuộc địa của Pháp và bàn luận vấn đề Việt Nam. Sách viết rằng tất cả các thuộc địa Pháp nên nổi loạn và hợp tác với Nga để đánh bại chủ nghĩa đế quốc. Ông nhanh chóng nhận ra rằng làm như thế thì chỉ là thay đổi vị trí của Pháp bằng vị trí của Nga, và suốt đời ông chống đối chủ nghĩa Cộng Sản.
Căn bản học vấn của ông là một căn bản học vấn Pháp vượt trội. Năm 1939, lúc 15 tuổi, ông vào học ở một trường Pháp có tiếng nhất Đông Dương là trường Trung Học Albert-Sarraut, được thiết lập từ năm 1919. Những người Việt thượng lưu và những Pháp Kiều ở Việt Nam đều cho con theo học ở đó. Tất cả những giáo sư giảng dạy đều đến từ Ba-Lê và tốt nghiệp từ những đại học lớn ở Pháp. Trường đặt tiêu chuẩn học vấn rất cao, và những giáo sư đã mở mang đầu óc ông về dân chủ và những lý tưởng của cuộc Cách Mạng Pháp, như những vấn đề tự do, độc lập và quan trọng nhất là nhân quyền.
Ở Albert-Sarraut, ông trở thành gần gũi với nhiều học sinh Pháp, nhưng học ở Albert-Sarraut cũng tạo ra một sự mâu thuẫn trong ông. Người Pháp đã dạy ông những quan niệm quan trọng về dân chủ và nhân quyền, đã cho ông một căn bản giáo dục vĩ đại. Nhưng Pháp muốn Việt Nam phải là một thuộc địa, việc giải phóng đất nước ông đồng nghĩa với việc ông phải đấu tranh và giết những người bạn Pháp. Ông Tú nói rằng đây là sự khác biệt giữa ông và Cộng Sản. Những ảnh hưởng thấm nhuần của cả ba nền văn hóa, từ đạo Khổng qua cha ông, từ Chủ Nghĩa Tự Do của Pháp qua những giáo sư dạy ông, và từ Phật Giáo qua những vị sư, đã khiến ông thấy được những cái tốt của Pháp, tuy vẫn muốn giải phóng đất nước ông khỏi ách thực dân.
Tin rằng chủ nghĩa cộng sản là con đường lầm lạc cho Việt Nam, ông cố tìm kiếm một triết lý khác có thể áp dụng vào việc cai trị đất nước ông. Nhiều năm sau, một số bạn ông ở miền Bắc đã nói với ông, “Anh Tú, anh đúng rồi. Khi đi theo Cộng Sản, chúng tôi đã chọn sai.” Một điều khiến ông hết sức đau buồn là có quá nhiều người trong thế hệ ông bị kẹt lại ở Hà Nội vì không thể trốn thoát. Đây là nỗi buồn ông mang theo suốt đời.
Tham gia Đại Việt và chiến đấu chống Việt Minh
Cha ông mất năm 1943. Sau khi cụ qua đời, ông tặng luôn những ruộng vườn của gia đình cho những nông dân đang sống trên những thửa đất đó. Ông vẫn ở trong căn vi-la, nhưng tặng luôn tất cả những bin-đinh của gia đình ở Hà Nội. Ông chẳng thiết gì nữa. Tuy gia đình thân yêu giờ chẳng còn ai, nhưng vì đã quyết chí tìm cách đem lại tự do cho đất nước, ông tiếp tục việc học. Vào cuối năm 1944 ở Hà Nội, ông gia nha^.p Đại Việt Quốc Dân Đảng, thường được gọi là Đại Việt. Đảng Trưởng Trương Tử Anh, thường được gọi là Anh Cả Phương, là người làm lễ tuyên thệ cho ông. Tuy chỉ mới nói chuyện với Trương Tử Anh hai lần trước khi vào Sài Gòn năm 1948, nhưng vì là người đã được chính Trương Tử Anh chọn lựa, ông được những đảng viên Đại Việt ở Miền Nam đối xử trọng vọng như thể ông là một “sứ giả đặc biệt gì đó”.
Cộng sản lúc đó xem Đại Việt như một đảng đối nghịch tranh quyền. Vào mùa hè 1945, ông Tú bị cộng sản bắt ở Hà Nội. Họ buộc tội ông chống cộng, tra tấn, và kết án tử hình ông. Khi tra tấn tù nhân, người Pháp thường dùng điện 60 watts, nhưng khi tra tấn ông cộng sản đã dùng điện 120 watts. Ông bị biệt giam ở Hỏa Lò 3 tuần, rồi được đưa đi Thái Nguyên để tử hình.
Thái Nguyên là thủ phủ của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, thường được gọi là Việt Minh, một tổ chức liên hiệp của Cộng Sản và Quốc Gia được thành lập năm 1941 để đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam thoát ách thực dân Pháp. Nhưng sau nhiều tháng bị giam ở Thái Nguyên, bất thình lình Cộng Sản lại thả ông, nói rằng “Hồ sơ của anh đã được duyệt xong.” Tuy bị tra tấn, ông vẫn không khai rằng ông là một đảng viên Đại Việt. Vì không chứng minh được lời buộc tội, họ đã thả ông.
Ở Thái Nguyên, ông là người đàn ông duy nhất trong số 200 tù nhân được thả. Có khoảng hai chục nữ tù cũng bị giam ở đó. Trần Văn Giàu, một cán bộ cộng sản có tiếng, đến để giảng dạy chính trị cho tù. Ông Tú ghi nhận rằng Giàu “nói rất trôi chảy.”
Sau khi ở tù, ông về Hà Nội một thời gian ngắn sau ngày 2 tháng 9, 1945, ngày Việt Nam tuyên bố độc lập với Pháp. Một người bạn trong đảng Đại Việt khuyên ông nên rời Hà Nội, tham gia một trường võ bị mới do những người Quốc Gia thiết lập. Vào mùa thu 1945, hai đảng chống Cộng chính, đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), đã kết hợp thành một nhóm đoàn kết để tự vệ và chống trả thế càng ngày càng mạnh của cộng sản Việt Minh.
Các đảng viên Quốc Gia thiết lập Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn ở Chapa, một làng gần Lào Cai gần biên giới Trung Hoa. Có khoảng 300 học viên tham dự trong đó có ông Tú. Rất nhiều người đã được tuyển mộ từ Hà Nội. Đa số đều có học vấn cao và muốn đánh Pháp, nhưng họ cũng chống Cộng. Ông nói, “Họ là những người rất can đảm, và nhiều người đã nói dối bố mẹ để gia nhập.” Nơi đây ông gặp Bùi Diễm, về sau là đại sứ Miền Nam Việt Nam ở Mỹ, và họ trở thành bạn thân suốt đời.
Trường được tổ chức thành 3 đại đội, A, B, và C. Ông là người của Đại Đội A. Vào lúc đầu ông được huấn luyện bằng súng gỗ, nhưng về sau được cấp một khẩu súng thật. Chỉ có khoảng 75 người được nhận súng, vì vậy họ phải chia nhau để tập. Ông Tú được giữ súng ngày đầu, hôm sau đến phiên người khác, và cứ thế luân phiên. Họ chỉ có một ít đạn dược và chỉ có một khẩu đại pháo 75 ly của Pháp.
Những người huấn luyện họ là những cựu sĩ quan Nhật. Có một đại tá Nhật và 4 đại úy. Ông không biết họ từ đâu đến, và làm cách nào để đến đó. Họ là những sĩ quan giỏi, nhưng phải dùng thông dịch viên vì không biết tiếng Việt. Những người Nhật này lấy tên Việt Nam. Ông không biết tên thật của họ. Họ gọi vị đại tá là Cao Hùng. Cũng có một thiếu úy Việt tên Vinh đã ở trong quân đội Pháp. Vinh lo việc hành chánh trong khi những người Nhật huấn luyện.
Người Nhật cho họ hai quyển sách được dịch ra tiếng Việt. Một quyển viết về những chiến thuật của lục quân và quyển kia là quyển sổ tay hướng dẫn những điều cơ bản của một quân nhân, như cách chào và cách diễn hành. Người Nhật huấn luyện cho các học viên hệt như họ đã được huấn luyện. Các học viên được dạy những chiến thuật lục quân của các đội nhỏ, nhưng ngay từ đầu, những người huấn luyện đã nhấn mạnh chiến lược. Đây là một vấn đề khiến ông ngạc nhiên. Những cuộc huấn luyện, giữa rừng núi bao quanh, rất cam go nhưng không ai đào ngũ.
Vào mùa thu 1946, ông tốt nghiệp. Không có lễ mãn khóa hoặc gắn phù hiệu cấp bậc, mà ông cũng chẳng để ý gì đến những danh dự trường dành cho những học viên tốt nghiệp. Ông và các bạn cùng khóa đều mang nặng lý tưởng cách mạng. Vào tháng 4, trường chuẩn bị chiếm một đồn của Cộng Sản gần Yên Bái. Các sĩ quan Nhật duyệt lại kế hoạch và chấp thuận, nhưng họ không tham gia. Họ muốn người Việt phải tự làm lấy.
Ông Tú là trung đội trưởng trong cuộc tấn công. Họ chỉ có đủ khí giới và đạn dược cho một phần của đại đội tấn công. Những người còn lại ở lại phía sau để phòng thủ căn cứ. Cuộc tấn công bắt đầu vào ban đêm. Ông nhớ đã nhìn thấy phe địch bắn, và đã bắn trả. Cuộc tấn công diễn ra thật gay go. Phe ông Tú thắng nhưng một người bạn của ông bị giết. Anh ta cũng cùng học trường chung với ông, nhưng kém một năm. vì xem người bạn đó như một người em, đối với ông, đây là một sự mất mát lớn. Ông Tú bị đạn hai lần, một phát đạn đốt cháy vai và một phát vào hông phía phải. Thuốc chữa thương chỉ có nước muối dùng để lau vết thương. Người Nhật duyệt lại cuộc tấn công với người Việt để cải thiện cách huấn luyện.
Vào tháng 7 1946, khi các lực lượng Công An của Việt Minh ngăn chặn một toan tính lật đổ chính quyền ở Hà Nội của Đại Việt, cuộc chiến giữa người Quốc Gia và Cộng Sản sôi sục. Cộng sản dùng biến cố này để mở các cuộc tấn công vào những thành trì của đảng viên Quốc Gia. Nhiều nơi nhanh chóng ngã gục. Tuy ông Tú và những người võ trang trong trường ông vẫn đóng trại gần Yên Bái, vào tháng 10 năm 1946, tỉnh bị bao vây. Sau nhiều cuộc tấn công của Cộng Sản, thành phố ngã gục. Nhiều sĩ quan Nhật bị giết, nhưng vị đại tá và hai đại úy sống sót. Nhiều năm sau, vị đại tá trở về Nhật. Ông Tú không biết chuyện gì xảy ra cho những vị sĩ quan kia.
Đơn vị của ông rút về Lào Cai, nhưng Cộng Sản tiến gần đến tỉnh. Khi địch còn cách khoảng 30 cây số, vì chỉ còn rất ít đạn dược và ít tiền để trả tiền gạo cho những người ở địa phương, họ đồng ý tan hàng. Nhiều người bạn ông chạy sang Trung Hoa, trong khi một số khác quyết định về với gia đình. Ông từ chối lời mời sang Trung Hoa để nhập bọn cùng các bạn và chọn ở lại Lào Cai xem Cộng Sản tiến vào tỉnh hành xử ra sao. Qua đó ông có thể nhận xét họ thực sự là ai. “Nếu muốn chiến đấu với ai, bạn phải tự chính mình tìm hiểu, chứ không phải nghe theo lời đồn,” ông nói. Mặc dù đã ở tù Việt Minh khi trước, ông vẫn không sợ. Ông dùng số tiền cuối cùng để mua một bữa ăn tối.
Vào tháng 11 năm 1946, Cộng Sản chiếm được Lào Cai, chấm dứt cuộc chiến nội bộ với người Quốc Gia. Cộng Sản tập họp tất cả dân chúng trong tỉnh để tuyên truyền. Ông Tú theo dõi suốt đêm và thấy rằng khi nói về Hồ Chí Minh, họ nói chẳng khác gì người Quốc Gia, không giống những người Cộng Sản. Nhưng họ cũng tuyên bố rằng “Người Tàu là đồng minh của chúng ta.” Đây là lần đầu ông được nghe điều này. Trước đó, ông chưa hề được nghe bất cứ điều gì về Mao Trạch Đông, vị lãnh tụ Cộng Sản của Trung Hoa. Cộng Sản tuyên bố hôm sau sẽ có chuyến xe lửa đến đón tất cả những ai muốn về Hà Nội. Chỉ cần đến nhà ga vào buổi sáng để lấy vé.
Sáng sau, một số bạn lính của ông ghi tên lấy vé. Ông Tú khuyên họ không nên ghi tên. Ông biết rằng nếu ghi tên ông sẽ bị bắt. Biết rằng xe lửa sẽ rất đông đảo, và khó thể kiểm soát được mọi người, ông dự định trà trộn vào theo đám đông để đi không vé. Xe lửa dừng ở Lào Cai vào lúc trưa, và ông lẻn vào trong toa không bị phát giác. Nhìn qua cửa sổ ông thấy các bạn ông đang bị bắt. Ông nói, “Tôi cảm thấy rằng hình như tôi là người sống sót duy nhất ở Lào Cai.”
Về Hà Nội và trở thành ký giả
Rời Lào Cai, ông trở lại Hà Nội. Ông đến nơi khoảng vài ngày trước khi Pháp mở cuộc tấn công vào ngày 19 tháng 12, 1946, để chiếm lại thành phố từ tay Việt Minh. Cuộc tấn công này khai màn Cuộc Chiến Đông Dương thứ nhất. Ông cảm thấy an toàn ở Hà Nội vì có những người bạn bảo vệ và nuôi dưỡng, nhưng những vết thương ở Yên Bái vẫn chưa lành hẳn nên ông vẫn trốn tránh. Khi Pháp chiếm thành phố, ông thôi không trốn tránh nữa.
Tuy không có tiền và thất nghiệp, ông Tú vẫn mộng trở thành ký giả, một giấc mơ ông vẫn ấp ủ kể từ ngày mới lớn. Ngày ông còn đi học, mẹ ông đã muốn ông học ngành y để có thể giúp đỡ người nghèo. Bà không muốn ông trở thành một nhân viên chính phủ. Nhưng về sau, cha ông khuyên bà nên để con tự ý chọn lựa. Động lực chính khiến ông thích làm ký giả là những sách vở do những ký giả Pháp viết về Đệ Nhất Thế Chiến. Trong năm 1945, vì không nói được tiếng Việt, những ký giả Pháp đã mướn ông giúp họ săn tin. Bởi thế sau khi từ Lào Cai trở về Hà Nội, ông tìm được việc bằng cách viết cho các tờ báo Pháp. Thỉnh thoảng ông cũng viết cho hãng thông tấn Agence France-Presse khi hãng tin đổi tên thành Phòng Thông Tin Pháp (French Information Office) trong một thời gian ngắn vào thời gian Đệ Nhị Thế Chiến.
Ở một buổi họp đảng Đại Việt ở Hà Nội, ông gặp Bác sĩ Đặng Văn Sung, người sẽ giúp ông thành toàn giấc mộng làm báo. Ông Sung là một bác sĩ đã được chính lãnh tụ Trương Tử Anh của Đại Việt tuyển mộ. Ông đã thấy ông Tú ở một trại gần Yên Bái, và muốn hỏi thăm ông Tú về người em họ của ông. Người em họ ông Sung tình cờ lại đúng là người ông Tú đã khuyên không nên ghi tên lấy vé ở Lào Cai. Ông và ông Sung trở thành bạn thân. Vào cuối hạ năm 1947, khi tuyên bố lập một tờ báo ở Hà Nội, ông Sung mời ông Tú tham gia. Ông Tú hưởng ứng, và ông gọi thêm hai người bạn nữa cùng giúp. Cả bốn nhân viên của tờ báo cùng ở chung một nhà. Cảnh sống kham khổ, theo ông Tú nhớ, họ không có đủ gạo để ăn.
Tờ báo bán nguyệt san được gọi là tờ Thanh Niên. Ông Sung vừa là chủ nhiệm, vừa là chủ bút, vừa là chủ báo, vừa là người viết. Theo lời ông Tú, “Số đầu tiên bán sạch và gây ra một làn sóng sửng sốt trong khắp Hà Nội, nhưng vấn đề in báo quá đắt, và chúng tôi chỉ có lãi rất ít. Hơn nữa, chúng tôi phải tìm một người thợ in cho in báo chịu trước rồi nhận tiền sau.” Mặc dù khó khăn, đây là lần đầu tiên trong đời, ông Tú cảm thấy được tự do viết và suy nghĩ như ông muốn. Nhưng vào tháng 5 năm 1948, Pháp đóng cửa tờ báo.
Báo đóng cửa, ông Tú quyết định rời Hà Nội đi tìm Trương Tử Anh. Ông Anh đã mất tích vào tháng 12 năm 1946. Những người bạn làm báo với ông đồng ý với quyết định đi tìm của ông. Việc ông Anh mất tích đã gây nhiều ảnh hưởng xấu cho đảng Đại Việt. Về sau Cộng Sản tuyên bố các lực lượng công an của họ đã bắt ông Anh vào ngày 16 tháng 12, 1946 ở vùng Quảng Bá ở Hà Nội. Phải đối phó với việc Pháp sắp tấn công Hà Nội ba hôm sau, Cộng Sản hành hình Trương Tử Anh và thủ tiêu xác ông. Tuy Pháp giữ an ninh chặt chẽ và ông chỉ có ít tiền, ông Tú vẫn lẻn vào những vùng đất của Cộng Sản đi tìm vị lãnh tụ Đại Việt mất tích. Ông chưa bao giờ tìm được manh mối gì về về ông Anh. Cộng Sản đã che dấu kỹ hành động thủ tiêu của họ.
Tuy thế, ông lại gặp được nhiều đảng viên Đại Việt đang trốn tránh Việt Minh. Trong tình trạng ông Anh mất tích, họ hỏi ông, “Chúng ta phải làm gì bây giờ?”
“Trở về Hà Nội,” Ông Tú nói. “nếu không dần dần cộng sản sẽ bắt hết các anh.”
Nhưng Hà Nội, họ than, đang nằm dưới sự cai trị của Pháp!
“Đúng,” ông Tú nói với họ, “nhưng người Pháp sẽ không giết các anh, và về Hà Nội không có nghĩa là về hàng.”
Tuy đang chiến đấu chống cả Cộng Sản lẫn Pháp, trong hai kẻ thù cần phải đối phó đó, ông cho rằng Cộng Sản là kẻ thù nguy hiểm hơn. Ông khuyên mọi người nên chống Cộng trước rồi hãy chống Pháp sau: “Chúng ta phải chọn kẻ địch. Không thể cùng lúc chống hai kẻ địch.” Ông tin rằng Cộng Sản là một thế lực đang lên, trong khi Pháp là một thế lực đang xuống, và Pháp sẽ chẳng bao giờ thắng cuộc. Chính vì ý kiến này mà một số bạn ông đã kết tội ông là kẻ phản bội. Đây cũng chính là những người bạn về sau hối hận đã tham gia bắt tay với Cộng Sản.
Không thể tìm được Trương Tử Anh, và trong tình cảnh Pháp ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại như một chính phủ chống cộng, vào cuối năm 1948, ông Tú vào Nam đến Sài Gòn và ở đó cho đến năm 1953. Ở Sài Gòn, ông tham gia chính phủ Bảo Đại và làm việc trong Bộ Thanh Niên. Ông tin rằng cách hay nhất để đánh bại Cộng Sản là thuyết phục các thanh niên Việt Nam rằng chủ nghĩa Cộng Sản không phải là giải pháp cho đất nước.
Vào năm 1953, vị Thủ Hiến ở Hà Nội yêu cầu ông trở lại để giúp bình định vùng đồng bằng sông Hồng. Vị Thủ Hiến đang cần cán bộ tiếp tay trong nỗ lực này. Lúc đầu ông Tú từ chối, nhưng vị Thủ Hiến lại gửi đại biểu vào Sài Gòn để mời ông tham gia. Ông đồng ý, và bay về Hà Nội giúp thiết lập một trại huấn luyện thanh niên để bảo vệ thôn quê. Ông đã ở lại đó khoảng một năm cho đến khi hiệp định Geneva được ký vào tháng 7 1954 chia đôi Việt Nam thành hai quốc gia. Vì Cộng Sản sắp vào Hà Nội, ông đến Hải Phòng, lên một chiến thuyền Mỹ đang giúp người di cư vào Nam trở về Sài Gòn.
Bạn có thể thích
Sách của con trai thời Pháp thuộc: một nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm đọc của Hữu Ngọc
PHỎNG VẤN TRẦN THANH HIỆP
Nền y học, y tế, vệ sinh ở Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 (phần 2)
PHỎNG VẤN NGUYỄN PHƯƠNG MINH
Biển Đông thời viễn cổ (trước thế kỉ 10), phần 2
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần A)
-
Tư liệu lịch sử3 năm trước
Tư liệu lịch sử: Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972
-
Lịch sử Việt-Mỹ4 năm trước
“Người cộng sản” Ngô Đình Nhu – Điểm sách “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần B)
-
Kinh tế - Chính trị1 năm trước
Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (phần C)
-
Kinh tế - Chính trị4 năm trước
Vụ án Nhân văn Giai phẩm: Thụy An, một số phận bi thảm
-
Kinh tế - Chính trị5 năm trước
Tư liệu: Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931
-
Giới thiệu4 năm trước
Nghiên cứu viên