Connect with us

Văn hóa xã hội

Ám ảnh đen trong tranh Nguyễn Thái Tuấn

Nguyễn Thị Từ Huy

Published on

(Tranh Thái Tuấn. Nguồn ảnh: Wall Street International Magazine)

Nguyễn Thị Từ Huy, Đại học Thái Bình Dương

Có những họa sĩ tập trung vào việc vẽ những mảng đen tối, xám xịt, có tính hủy diệt, tội lỗi hay cái ác của con người và đời sống. Họ nhắc nhở rằng nhân loại chúng ta rất phức tạp và tồn tại trong tất cả các phương diện đầy nghịch lý của mình. 

Francisco de Goya, họa sĩ Tây Ban Nha, điển hình cho trào lưu này. Ông có loạt Tranh Đen gồm 14 tác phẩm, thực hiện trong khoảng 1819-1823. Nổi tiếng nhất trong số đó là bức « Thần Saturne ăn thịt con trai của mình”, có thể được xem như là đại diện cho hội họa lột tả cái ác, với tất cả tính chất hung bạo, máu me của nó.

Thần Saturne ăn thịt con trai của mình, Francisco de Goya

Nguyễn Thái Tuấn là họa sĩ Việt Nam vẽ theo khuynh hướng này. Dù không chọn phong cách trần trụi và thô bạo như Goya, nhưng các suy tư hội họa của Nguyễn Thái Tuấn thuộc dòng chiêm nghiệm về phần tăm tối và tội lỗi của con người. Những suy tưởng loại này được bộc lộ càng rõ nét hơn trong loạt tranh vừa mới được triển lãm tại Primo Marella Gallery năm nay, 2021. Loạt tranh có chủ đề Interior & Black Souls. Interior có thể được hiểu theo hai nghĩa: nội thất và nội tâm. Souls cũng có thể được hiểu theo hai nghĩa: tâm hồn và linh hồn. Ta có thể tìm thấy tất cả các nghĩa này trong tranh Nguyễn Thái Tuấn. Do tiếng Việt thiên về nghĩa cụ thể nên trong nhiều trường hợp, muốn diễn đạt một ý khái quát hoặc muốn diễn đạt cùng một lúc nhiều ý khác nhau thì quả thật là không dễ dàng.

Những linh hồn/tâm hồn đen được thể hiện bằng màu đen trên tấm toan vẽ. Họa sĩ nhấn mạnh rằng cần phải hiểu đúng theo nghĩa đen của nó, trước khi trí tưởng tượng đưa ta tới mọi nghĩa bóng tiềm tàng mà tranh của ông mang chứa. Nghĩa là các suy tưởng của chúng ta sẽ được khởi đi từ màu đen dùng để vẽ các hình người trong phòng ngủ. Những hình thể màu đen, dù trong tư thế yêu đương hay được định vị cách nhau một khoảng không gian nhỏ, trên giường hay trước bàn trang điểm, quả thật đã mang lại những ám ảnh khôn tả cho người xem.

Các hình thể đen trở thành những ám ảnh đen mà chỉ có hội họa mới diễn tả nổi, không có ngôn từ nào nói lên được ấn tượng mà màu sắc và hình dạng trong các bức tranh đã gợi lên trong xúc cảm của chúng ta.

Tranh Nguyễn Thái Tuấn gợi nhắc ý tưởng của Nietzsche:

Phải chăng chúng ta đã không lang thang như thể xuyên thấu một hư vô bất tận? Phải chăng chúng ta không cảm thấy làn hơi trống rỗng thổi vào mặt mình? Trời không còn lạnh nữa hay sao? Đêm không còn tới thường xuyên nữa, và càng ngày đêm càng không tới nữa? Lẽ nào chúng ta sẽ phải châm đèn lên ngay từ buổi sáng? [1]

Trong đoạn văn này, Nietzsche diễn tả cảm giác hư vô ngự trị trong tồn tại của mỗi bản thể của con người hiện đại. Trong cõi hư vô đó, trong trạng thái trống rỗng đó, gần như không còn phân biệt ấm lạnh, gần như không còn ánh sáng và bóng tối. Và càng ngày bóng tối càng xâm lấn và bao phủ, đêm không đến nữa, bởi vì không còn phân biệt đêm ngày. Không còn mặt trời, đến mức ban ngày cũng phải đốt đèn, phải lấy ánh sáng nhân tạo thay cho ánh sáng tự nhiên. 

Ta ngập trong cảm giác này khi đối diện với những bức tranh trong loạt Interior & Black Souls của Nguyễn Thái Tuấn. Khi tương tác với chuỗi tranh này ta rơi vào một trạng thái đầy mâu thuẫn, trạng thái của nghịch lý mà Nietzsche đã nói đến trong đoạn văn trích trên đây. Nghịch lý của những xúc cảm mạnh mẽ, tới mức nghẹt thở, do các tác phẩm khơi gợi trong nội tâm, đồng thời lại thấy nó, cái cõi nội tâm ấy, là một trống rỗng đến kinh hoàng.

Black Souls N.6 _ Nguyễn Thái Tuấn _2017

Lúc nào thì hành vi yêu đương biến màu thành đen tối? Khi nào thì dục vọng của con người làm thành một phần của bóng đêm? Khi nào thì sự thỏa mãn bản năng khiến cho con người trở thành những bóng ma đáng sợ ngay trong nội tâm của chính mình? Khi nào thì sự lấp đầy các loại dục vọng lại trở thành nguồn gốc của tội lỗi và đau khổ, gây ra cho mình và cho đồng loại? 

Và liệu con người còn có khả năng nhìn xuyên qua những hình nhân màu đen này để thấy được tâm hồn của chính mình? 

Hội họa đặt ra câu hỏi cho những ai muốn tìm câu trả lời. Hành trình tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi đó rất có thể sẽ khiến cho các ám ảnh đen trở thành ám ảnh cứu rỗi.

Hội họa cũng khơi gợi những xung động khi những tần sóng nội tâm vẫn còn lan tỏa trong một đời sống càng ngày càng bị bao phủ bởi các vật dụng của chủ nghĩa tiêu thụ. Đó là lý do tồn tại của hội họa, cũng là ý nghĩa và giá trị của hội họa.

 

 

Sài Gòn, 6/7/2021

Chú thích

[1] Nietzsche, Le gai savoir, tiết 125, bản dịch tiếng Pháp của Alexandre Vialatte, Gallimard, 1950, tr.170.

 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ