Tô Văn Trường
NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 1: PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG VÀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 2: VỊ TRÍ CỦA ĐIỆN THAN TRONG BÀI TOÁN NĂNG LƯỢNG
NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 3: PHÁT TRIỂN HÀNH LANG PHÁP LÝ VÀ SÁNG TẠO CÔNG NGHỆ
- Tro xỉ than cũng là tài nguyên
Nhận thức là cả quá trình. Ở Đồng bằng sông Cửu Long thập niên 70-80 do nhu cầu tập trung phát triển lương thực nên có chủ trương đắp đập ngăn mặn để trồng lúa. Nhờ sáng kiến của người dân và chuyển biến nhận thức của những nhà quản lý theo thời gian đã chuyển hướng từ đắp đập ngăn mặn sang kiểm soát mặn làm cống 2 chiều để phù hợp với độ mặn theo thời kỳ sinh trưởng của con tôm, nghĩa là đã biết coi mặn cũng là tài nguyên.
Muốn phát triển kinh tế phải có điện, mà nhiệt điện đáp ứng công suất phụ tải, phát ổn định, diện tích chiếm đất không lớn như thủy điện, điện hạt nhân, điện mặt trời. Công suất điện than ở Việt Nam không phải là lớn so với nhiều nước. Nhưng các nước họ vẫn phát triển ổn định nhiệt điện cả mấy thập kỷ rồi, bây giờ vấn đề người ta lo xử lý chủ yếu là khí phát thải từ nhiệt điện, chứ không phải là xỉ than thải ra từ việc đốt than.
- Những thông tin thiếu chính xác về ô nhiễm môi trường
Không chỉ mạng xã hội mà ngay cả một số tờ báo chính thống gần đây vẫn đề cập đến vấn nạn của việc xử lý xỉ lò của nhà máy nhiệt điện, gây bức xúc trên công luận, trong khi nhiều nước trên thế giới lại coi xỉ lò của nhiệt điện là tài nguyên.
Việc nhìn nhận ô nhiêm môi trường và cơ hội phát triển phải được đánh giá trên một bài toán và cái nhìn tổng thể. Nếu một người chuyên đấu tranh cho môi trường thì cái nhìn của họ tập trung nhiều vào việc cái gì gây ô nhiễm nhiều, cái gì gây ô nhiễm ít, và họ đưa ra những bài viết, nhận xét theo góc nhìn tập trung vào môi trường. Nhiều khi, họ không đủ khả năng phân tích kinh tế và do đó đề ra những giải pháp giảm ô nhiễm môi trường một cách không phù hợp và hơi lý tưởng hóa.
Có bài báo nói than Quảng Ninh có chứa thuỷ ngân ở mức 0,446 mg/kg than rồi từ đó tính ra khối lượng thủy ngân thải ra môi trường là rất không chính xác mà tạo dư luận không tốt trong xã hội. Cách nói là trong than có thủy ngân hay có phóng xạ là cách nói vô trách nhiệm, lợi dụng sự không hiểu biết của người dân để “hù dọa”. Bởi vì trong than hay ngay trong cơ thể con người đều có mọi nguyên tố mà ở vỏ trái đất có, chỉ có điều là hàm lượng bao nhiêu mà thôi. Nói có trách nhiệm là cần vạch rõ sự có mặt của chất đó trong đối tượng muốn nói tới là có vượt ngưỡng cho phép hay không; còn nếu ở dưới ngưỡng cho phép thì nó là an toàn mà lại là cần thiết.
Nếu đọc kỹ báo cáo gốc của UNEP (2017) thì ta có thể thấy một số điểm chính sau:
a) Báo cáo này có đưa ra một con số trung bình cho than ở các mỏ Quảng Ninh ở mức 0,446 mg/kg, tuy nhiên trong 8 mỏ chỉ có 3 mỏ có hàm lượng Hg trung bình từ mức 0,4 mg/kg trở lên (xem bảng 1). Với số mẫu khá nhỏ nên các con số này chỉ mang tính tham khảo.
Bảng 1. Hàm lượng Hg trong các mẫu than tại các mỏ than Quảng Ninh
Nguồn: UN Environment, 2017. Reducing mercury emissions from coal combustion in the energy sector in Vietnam. UN Environment, Chemicals and Health Branch, Geneva, Switzerland.
b) Cũng theo báo cáo của UNEP thì mặc dù hàm lượng Hg trong than khai thác ở một số mỏ khá cao, tuy nhiên than sử dụng trong nhiệt điện lại chỉ có hàm lượng Hg ở mức 0,10-0,97 mg/kg, trừ nhiệt điện Uông Bí có hàm lượng Hg ở mức cao hơn rất nhiều (xem hình 1).
Hình 1: Hàm lượng Hg ở than đầu vào của một số nhà máy nhiệt điện
c) Báo cáo của UNEP cũng cho thấy hàm lượng Hg ở xỉ đáy lò (bottom ash) là không đáng kể, trong khi hàm lượng Hg ở tro bay (fly ash – được thu hồi ở bộ lọc bụi tĩnh điện ESP) là khá cao (trên 1000 mg/kg tro bay) dù hàm lượng Hg than đầu vào ở mức thấp, điều này cho thấy hiệu năng lọc bụi tĩnh điện ở các nhà máy nhiệt điện than Việt Nam là khá cao (xem bảng 2).[1]
Bảng 2. Hàm lượng Hg (mg/kg) ở một số nhà máy nhiệt điện than được khảo sát giai đoạn 2015-2016.
Nếu đánh giá kỹ hơn về bản chất Hg trong tro bay thì dù hàm lượng theo mg/kg cao nhưng lượng đó không độc. Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) yêu cầu phải tính hàm lượng ngâm chiết để xem chất độc có khả năng ngấm ra không. Hàm lượng ngâm chiết thường nhỏ hơn rất nhiều so với hàm lượng tuyệt đối.
Tro bay chiếm 60-70% lượng tro xỉ thải ra. Các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc tro bay ra đến đâu có doanh nghiệp lấy hết đến đó. Miền nam Trung bộ còn lạ với vật liệu này và số nhà máy xi măng, bê tông đúc sẵn quá ít nên tiêu thụ kém. Cũng cần nhắc lại là khá nhiều các đập thuỷ điện (bao gồm cả thuỷ điện Sơn La) sử dụng tro bay làm phụ gia quan trọng trong công nghệ bê tông đầm lăn (RCC).
NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 1: PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG VÀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 2: VỊ TRÍ CỦA ĐIỆN THAN TRONG BÀI TOÁN NĂNG LƯỢNG
NAN ĐỀ NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM – PHẦN 3: PHÁT TRIỂN HÀNH LANG PHÁP LÝ VÀ SÁNG TẠO CÔNG NGHỆ
Ghi chú
[1] Một báo cáo khác, “Bước đầu nghiên cứu thủy ngân tại một số nhà máy nhiệt điện đốt than của Việt Nam” của nhóm tác giả Đào Thị Hiền, Đinh Văn Tôn, Võ Thị Cẩm Bình, Nguyễn Thúy Lan , Nguyễn Mạnh Khải đăng trên Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Các Khoa học Trái đất và Môi trường, Tập 33, Số 1S (2017) 76-84 lại cho kết quả đo đạc hàm lượng Hg ở tro bay thấp hơn nhiều so với báo cáo UNEP (chỉ ở mức 0,04-0,24 mg/kg).