US Vietnam Review xin gửi đến độc giả bài phỏng vấn TS. Lê Vĩnh Trương, cựu Giám đốc điều hành Quỹ Nghiên cứu Biển Đông về chiến lược “tam chiến” của Trung Quốc.
1. Trong các thảo luận chính trị học về Trung Quốc trên thế giới, có hai góc nhìn trái ngược: Trung Quốc là bạn, và, Trung Quốc là thù, hay là, Trung Quốc đem lại cơ hội, và, Trung Quốc là mối đe dọa. Xin ông cho biết góc nhìn của ông về điều này, nếu nhìn từ Việt Nam?
Tôi chưa có điều kiện để có nhiều tiếp xúc hơn, song ở Việt Nam, nhưng theo quan sát từ các giới mà tôi có liên hệ như các bạn làm thương mại và giáo viên đại học, tinh thần phản kháng Trung Quốc mạnh mẽ và chảy rần rật như một mạch chủ đạo và hơn hẳn tinh thần xem Trung Quốc như một bên hợp tác.
Xem Trung Quốc như tác nhân hợp tác thì đó là hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu. Còn lại các sự hợp tác kiểu khác thì sự hợp tác ấy nếu có rất cẩn trọng, phía Việt Nam rất cảnh giác. Cá nhân tôi cho rằng cách thức vừa hợp tác vừa cẩn trọng cũng có lợi ích của nó bởi điều đó cho phép Việt Nam có tiếp cận mềm và nâng cao năng lực phòng thủ.
Do Trung Quốc là mối đe dọa về chủ quyền và sự tồn tại của dân tộc Việt Nam, nên các hợp tác như thương mại, văn hóa, giáo dục, thể thao sẽ đóng vai trò hậu bị, tức không phải ở tuyến đầu. Các vấn đề chính và có tính quyết định sinh tử sẽ là tình báo, quân sự, đối ngoại, chiến tranh sinh học sẽ phải là tuyệt đối cảnh giác để bảo vệ chủ quyền chính trị của Việt Nam.
Việc này sẽ trường kỳ và ở khắp các địa bàn, địa phương, nơi chốn và ở tất cả các chính quyền Việt Nam hôm nay và mai sau.
Trong tương lai, Trung Quốc có thể biển chuyển thành chính thể dân chủ hơn, khi ấy độ nguy hiểm sẽ giảm xuống, song cách tiếp cận của Việt Nam vẫn rất cần một tương tác có nhu và có cương, có quan hệ đối tác song cũng cần có phòng vệ từ chính trong tư duy của người Việt đến các hành động, cài đặt quan hệ. Chính thể dân chủ Trung Quốc từ 1911 đến 1949 đã tỏ ra là một chính thể coi các nước xung quanh như thuộc quốc thông qua lời nói và hành động của Tôn Văn, Tưởng Giới Thạch, Tiêu Văn, Chu Hán.
2. Từ 2003, Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra chiến lược “tam chiến” (chiến tranh tâm lý, chiến tranh pháp lý và chiến tranh truyền thông). Ông có những quan sát gì về việc thực thi chiến lược “tam chiến” này trên thực tế? Trung Quốc có thể áp dụng “tam chiến” với Việt Nam không? Nếu có thì như thế nào?
Trung Quốc đã áp dụng tam chiến “mở rộng” với Việt Nam từ nhiều năm qua ở nhiều mặt. Chỉ riêng tại câu chuyện Biển Đông họ đã có ba chiến lược song song là tâm lý, pháp lý và truyền thông. Liên tục bóp méo sự thật và giáo dục nhân dân Trung Quốc bằng truyền thông rằng đó là lãnh thổ của cha ông Trung Quốc, liên tục củng cố những cái gọi là chứng cứ pháp lý, lịch sử trong các viện, trường nhà nước bất chấp phán quyết của PCA 12/7/2016 về Biển Đông.
Trên các khía cạnh khác mà tôi có thể quan sát được, họ đã lồng tuyên truyền chính trị, tâm lý sùng Trung, bài Mỹ, cô lập Đài vào trong các nội dung kinh tế văn hóa như “Một vành đai một con đường”. Nhằm làm cho các đối tác nhỏ như Việt Nam phải ở vào thế đơn phương hóa quan hệ kinh tế,t từ đó dẫn đến lệ thuộc vào chính trị, chủ quyền.
Trung Quốc đã áp dụng Tam Chiến với Việt Nam, vậy Việt Nam phải áp dụng “kháng tam chiến” để tự tồn. Tam chiến ở ba mặt truyền thông, tâm lý, luật pháp. Vậy kháng tam chiến phải bao trùm chính yếu ở ba mặt đó và mở rộng sang các mặt khác và ở mức độ tập trung cảnh giác cao hơn.
Trung Quốc là cường quốc nguyên tử, thành viên HĐBA LHQ, Trung Quốc có thể tác động với tác động đến các nước khác mạnh hơn VN. Thậm chí Trung Quốc có thể tác động đến các bộ phận của Liên Hiệp Quốc trong đó có WHO qua mùa đại dịch cúm Vũ Hán hiện nay 2020. Để kháng tam chiến, Việt Nam cần chiến lược Đối ngoại đa tầng là đối ngoại các mức sau:
Mức a, tầm cao với các siêu cường để cân bằng lợi ích, tránh bị mua bán;
Mức b, tầm quan trọng với các quốc gia giàu mạnh, dân chủ trên cơ sở cùng có lợi;
và mức c, tầm hữu nghị với toàn thể nhằm khẳng định vị thế quốc tế và tinh thần nhân bản Việt Nam, biến các mối quan hệ bình thường thành quan hệ bạn bè.
Công cuộc đối ngoại này hướng đến tình trạng luôn được các nước tôn trọng và loại bỏ ý tưởng xâm lược, thực dân hóa và hợp tác cùng có lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa , xã hội.
Chiến lược đối ngoại đa tầng không thể thiếu nguồn lực nội tại của nhân dân Việt Nam về kinh tế, văn hóa, chính trị và về tinh thần hiểu biết và cảnh giác Trung Quốc. Nguồn lực này cần va chạm đến tâm can, sức lực và đóng góp của từng người dân Việt Nam.
3. Theo ông Việt Nam cần làm gì để hưởng lợi và tránh tổn hại, nếu có, từ chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc?
Như nói trên, phải có các hợp tác để hiểu rõ Trung Quốc nhằm kháng tam chiến hiệu quả. Vậy hợp tác về văn hóa, kinh tế, xã hội để tăng hiểu biết của nhân dân Trung Việt nhằm hiểu tường tận và đối phó có kế hoạch, có ý thức, có kết hợp để chống lại Tam chiến mà nhà cầm quyền Trung Quốc lồng trong BRI.
Cụ thể tự thân chính giới Việt Nam cần có đối ngoại đa tầng và cần có những think tank, viện, trường tư vấn tốt cho nhà cầm quyền để họ có cái nhìn nhiều chiều về Trung Quốc và có chiến lược chung, tổng thể.
Các doanh nghiệp và cá nhân cũng cần những hiểu biết về “Một vành đai, một con đường” để có thể tối đa hóa lợi ích và giảm các rủi ro cho mình và cho quốc gia.
Ở các cá nhân người dân Việt Nam, cần khơi dậy nguồn lực để bừng lên tận trong “tâm can, sức lực” và khơi dậy đóng góp của từng người dân Việt Nam.
4. Đối trọng với “Một vành đai, một con đường” của Trung quốc, Mỹ và Nhật đề xướng học thuyết Ấn – Thái Bình Dương FOIP. Theo ông, FOIP có mối tương quan nào với BRI. Cách ứng xử cần có của Việt Nam đối với FOIP là gì?
Việt Nam đã đa phương hóa các quan hệ, làm bạn với tất cả các nước, FOIP cũng là một tổ chức đa quốc gia mà VN cần tham gia và góp phần xây dựng ổn định, hòa bình và phát triển chung, cũng như đã từng tham gia các tổ chức đa phương khác. Việc này sẽ gia tăng sức mặc cả của chính Việt Nam.
Việt Nam cần chính thức hỗ trợ FOIP và tham gia các cuộc tập trận với các quốc gia trên thế giới cũng như đã tham gia TPP, RCEP, BRI trong chiến lược ngoại giao đa tầng của mình.
5. Có thể nói Trung Quốc tấn công Việt Nam cả hai mặt: phía tây kiểm soát sông Cửu Long bằng cách hơn chục đập nước, phía đông thì xâm lược biển và đảo? Theo ông, ở phía bắc, Trung Quốc có khả năng kiểm soát sông Hồng vì thượng nguồn nằm ở Vân Nam hay không? Việt Nam nên làm gì khi bị tấn công cả ba mặt như vậy?
Đã có thông tin Trung Quốc muốn uốn dòng chảy sông Hồng. Việc Trung Quốc khẳng định thiên nhiên phải phục vụ con người đã gây thảm họa môi sinh tại đập Tam Hiệp và ảnh hưởng các nước hạ lưu sông Mekong, do vậy ở phía Bắc với các dự án liên quan sông Hồng, nhà cầm quyền cần nhận thức, giúp nhân dân nhận thức, truyền đạt, có đối sách cụ thể để bảo vệ chủ quyền, môi sinh và kinh tế trước các hành động của Trung Quốc.
Mạn phía Tây, gần đây có tác giả cho rằng việc cạn kệt nước sông Mekong không phải do Trung Quốc mà do chính phía Việt Nam đã hợp tác với Lào xây đập Luang Prabang và do các thủy điện Việt Nam xây trên các sông Serepok, Sesan; và do việc sử dụng các mạch nước ngầm thái quá. Cần có một nghiên cứu đầy đủ về các loại tác hại để xác định hạn mặn bao nhiêu phần trăm do Trung Quốc, do Việt Lào, do chính Việt Nam (Serepok, lạm dụng nước ngầm) để lập luận của Việt Nam thật sự khả tín, từ đó mới có thể có tiếng nói chính thức với thế giới.
Khi xác định rõ ai tấn công, tấn công mặt nào thì tiến hành chống lại một cách bền bỉ và khôn ngoan, một cách lâu dài, rộng khắp ở quy mô toàn dân, toàn quân, toàn xã hội.