Connect with us

Kinh tế - Chính trị

Việt Nam cần cải cách đột phá thể chế để ứng phó với sự suy yếu của Trung Quốc?

Ngô Ngọc Trai

Published on

Luật sư Ngô Ngọc Trai
Đâu đó đã có dự báo về sự suy yếu của Trung Quốc, đất nước mà mới trước đó còn được coi là cường quốc đang trỗi dậy với sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự.
Hiện tại chính quyền của ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với một loạt thách thức rất xấu, trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được tính là thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Lâu nay nhiều người ở Việt Nam vẫn cho rằng một chính quyền độc tài chuyên chế là một chính quyền mạnh, hữu ích khi ứng phó xử lý với các thách thức.
Nhưng nay qua dẫn chiếu từ tình hình ở Mỹ và Trung Quốc thì cho thấy không phải.
Ở Mỹ, một chính quyền dân chủ, các đảng phái tranh cãi nhau, nhưng những tài năng lãnh đạo trong xã hội luôn được trọng dụng, đã tạo ra một chính quyền mạnh có đủ khả năng phát hiện xử lý và vượt qua các thách thức.
Còn Trung Quốc từ lâu nay đã không có kế hoạch dân chủ hóa, thay vì trọng dụng thì trấn áp bức hại đối lập,những hạt giống ưu tú của giống nòi nhưng lại bị coi là nguy cơ cho sự sụp đổ của chế độ.
Qua thời gian, các thế hệ lãnh đạo được chọn ra từ chính hệ thống bộ máy quan liêu bên dưới, đã làm thui chột và thoái hóa năng lực viễn kiến của tầng lớp lãnh đạo.
Đến nay với những thách thức nan giải như Cuộc chiến thương mại với Mỹ, vấn đề dân chủ ở Hong Kong, vấn đề tôn giáo sắc tộc ở Tây Tạng, Tân Cương, vấn đề đường lưỡi bò ở Biển Đông, qua dịch cúm Corona, qua cái chết của nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba và mới đây là bác sĩ Lý Văn Lượng… nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại.
Dân chủ hóa là con đường tất yếu duy nhất cho thịnh vượng và bền vững.
Đột phá thể chế
Những xung động lớn trong môi trường quốc tế liên quan đến Trung Quốc, quốc gia láng giềng có mối liên hệ ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế và chính trị Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải có đủ năng lực để ứng phó nếu muốn giữ cho sự phát triển của mình.
Nhưng xem ra ban lãnh đạo nhà nước vẫn đang làm mọi việc theo một cung cách bình thường, thay vì cần gấp rút cải tổ thể chế bộ máy nhà nước, để phát huy được mọi nguồn nội lực trong xã hội.
Mới đây Ủy ban thường vụ Quốc hội họp bàn về việc nâng cao vị thế Ban dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, trở thành Ủy ban trực thuộc Quốc hội và bàn xem nâng tỉ lệ Đại biểu chuyên trách từ 35% lên 37 hay 40%.
Thực tế quan sát lâu nay thì thấy, Quốc hội Việt Nam được thiết lập theo một cách thức nhằm làm giảm đi vai trò tác dụng của thiết chế này, thể hiện qua các việc như.
Để tồn tại đại biểu kiêm nhiệm, ở các nước 100% đại biểu là chuyên nghiệp, còn ở VN đại đa số đại biểu lại là kiêm nhiệm, người giám sát lại chính là người bị giám sát. Tình trạng này đã kéo dài suốt mấy chục năm.
Thời gian hoạt động của Quốc hội cũng ít, chỉ khoảng 2 tháng họp toàn thể mỗi năm. Trong khi thời gian làm việc là cái sẽ tạo ra hiệu quả hoạt động cho một thiết chế, thời gian họp ít sẽ làm giảm đi vai trò của Quốc hội.
Ở Mỹ, Nghị viện hoạt động quanh năm chỉ trừ một quãng nghỉ ngắn, bởi đó Nghị viện Mỹ giải quyết rất nhiều việc quốc gia.
Cũng nhằm giảm bớt tác dụng của Quốc hội cho nên mức độ đầu tư cho các Đại biểu cũng hạn chế.
Có thể hình dung là nếu Đại biểu được đầu tư ngân sách tốt thì họ có được văn phòng chuyên môn, đội ngũ thư ký giúp việc chất lượng cao, thuê chuyên gia tham vấn các vấn đề chuyên môn sâu, tổ chức và tham gia nhiều hoạt động, từ đó làm tăng chất lượng hiệu quả cho hoạt động.
Lý do khiến Quốc hội bị thiết kế như vậy là vì các quyết định quan trọng đã được bên Đảng quyết định rồi.
Và các cơ quan nhà nước khác thì cũng không muốn bị suốt ngày giám sát chất vấn yêu cầu giải trình về các hoạt động, như quyết định một khoản chi tiêu ngân sách, một gói thầu dự án đầu tư công, việc bổ nhiệm nhân sự, kết quả thực thi một chính sách hay các hoạt động khác.
Ở các nước theo nguyên tắc phân quyền thì người bị giám sát chẳng thể nào làm gì được về thiết kế tổ chức của Nghị viện, nhưng ở VN do cơ chế tập trung quyền hành cho nên quyền hạn dành cho Quốc hội là có thể bị điều chỉnh, và các ban ngành nhà nước cùng không muốn một thiết chế Quốc hội mạnh để khỏi phải vất vả.
Vì những lý do đó nên tới nay điều đúng đắn cần làm là phải nâng cao vị thế quyền hạn cho Ban dân nguyện, để trở thành một Ủy ban trực thuộc Quốc hội.
Đó là một phần trong nhiều việc cần thiết phải làm để nâng cao vị thế quyền hạn cho Quốc hội nói chung, và cũng bởi đối với xã hội thì có còn gì quan trọng hơn Dân nguyện, tức ý nguyện của nhân dân?
Về tỷ lệ chuyên trách thì cũng không thể tủn mủn nâng từ 35 lên 37 hay 40%.
Việc nâng lên mức nào cần xuất phát từ những thách thức phải đối mặt hiện nay, cũng như xuất phát mục tiêu kỳ vọng về sự phát triển của đất nước, sự kỳ vọng về thành công trong các chính sách và mức độ kỳ vọng của dân chúng về tương lai đất nước và cải thiện đời sống trong 5, 10 năm tới.
Nếu muốn sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại, nếu Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam muốn thực hiện thành công hàng loạt những chính sách tham vọng như giảm thâm hụt ngân sách, nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư công, tránh thất thoát trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tránh tham nhũng thất thoát trong các chính sách về đất đai.
Nếu muốn thực hiện thành công các chính sách về tinh giản biên chế, hợp nhất sáp nhập các cơ quan, cải cách hệ thống tư pháp và mong muốn thực hiện thành công mọi chính sách pháp luật đã ban hành.
Những việc mà lâu nay đã làm nhưng còn tồn tại đầy rẫy vấn đề.
Thì phải nâng tỷ lệ Đại biểu chuyên trách lên 80 hoặc 100%.
Ngược lại nếu vẫn chấp nhận sự chậm tiến và hiểu rằng các chính sách kia chỉ được ban hành vậy thôi còn thì chẳng quan trọng kết quả thực hiện, thì cứ tăng tỷ lệ Đại biểu chuyên trách lên 37 hoặc 40% cũng được.
Trọng dụng nhân tài
Ngoài việc cải tổ Quốc hội thuộc về Lập pháp, cũng cần cải tổ việc bầu chọn lãnh đạo quốc gia ở khối Hành pháp.
Ở Mỹ, Tổng thống Mỹ Bill Clinton nguyên là bộ trưởng tư pháp một bang, tương đương giám đốc sở tư pháp tỉnh ở VN, sau đó tranh cử làm Thống đốc bang rồi tranh cử trở thành Tổng thống.
Ông Obama là một luật sư cộng đồng, giúp đỡ cho người yếu thế và các phong trào xã hội, sau khi có được uy tín tên tuổi ông tham gia ứng cử vào cơ quan lập pháp của bang, sau đó ứng cử vào Thượng viện liên bang rồi ứng cử Tổng thống.
Còn ông Donald Trump là một tỷ phú ngôi sao truyền hình, chủ tập đoàn kinh tế, nhờ uy tín cá nhân mà tranh cử trực tiếp làm Tổng thống.
Hai ông Obama và Trump chưa từng tham gia vào bộ máy hành pháp, chưa từng là nhân viên cán bộ hành chính, họ là những người thành công ngoài xã hội rồi mới tham gia hoạt động chính trị.
Những người bằng nỗ lực cá nhân mà đạt thành tựu, được cộng đồng tín nhiệm, đó là nhờ tài năng thực chất của họ, từ đó các đảng phái mời họ gia nhập hoặc tự họ chủ động gia nhập đảng khi thấy đường lối phù hợp với quan điểm, rồi đảng đưa ra ứng cử trong các cuộc bầu cử.
Hoặc có người tham gia ứng cử với tư cách độc lập mà không có các đảng hỗ trợ đằng sau.
Bằng cách đó những tài năng thực sự luôn được bộc lộ kiểm chứng qua thực tế và được trọng dụng.
Họ cũng tách bạch bộ máy hành chính quan liêu có tính chất ổn vững làm việc trả lương theo hợp đồng và các chức danh chính trị bầu cử theo nhiệm kỳ.
Trong khi đó ở VN lâu nay, cơ chế đơn nhất, việc chọn lựa nhân sự bị giới hạn trong bộ máy, làm cấp thấp rồi lên cấp cao, từ nhân viên trở thành lãnh đạo rồi gọi nhau là kỹ trị.
Lối lựa chọn nhân sự như vậy gây ra sự lãng phí nguồn lớn nhân sự năng lực ngoài xã hội.
Nay đứng trước những biến động ở môi trường quốc tế khi nước láng giềng Trung Quốc bước vào giai đoạn khủng hoảng suy tàn, đòi hỏi Việt Nam cần có những bước cải cách đột phá về thể chế, để tạo nền tảng vững chắc cho quốc gia đủ khả năng vượt qua các thách thức.
Nguồn: Luật sư Ngô Ngọc Trai, “Việt Nam cần cải cách đột phá thể chế để ứng phó với sự suy tàn của Trung Quốc?”, Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon. 
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. 

Continue Reading

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ